TIN NÓNG HOÀNG SA-TRƯỜNG SA, BIỂN ĐÔNG (VIỆT NAM)

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

(NLLS)- Tháng ba di tản (Trọng Đạt)

Tiếp theo kỳ trước

Lời BBT: Đại thắng mùa xuân 1975 đã đem đến sự thống nhất non sông đất nước ta. Cách đây 42 năm, cuộc đại di tản của Quân lực VNCH và Đế Quốc Mỹ đã diễn ra ngay từ đầu chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Chúng ta hãy thử xem "phía bên kia" nới gì về cuocj đại di tản này?
Diễn tiến cuộc di tản
Sau khi đã đánh thử Phước Long, thấy Mỹ chỉ phản đối xuông, Hà Nội bèn mở cuộc tổng tấn công qui mô, họ đánh chiếm Ban Mê Thuột ngày 13-3-1975 mở đầu cho sự sụp đổ của miền nam VN.
Đầu tháng 3-1975 một phái đoàn dân biểu Mỹ tới Việt Nam để nghiên cứu tình hình trước khi quyết định viện trợ thêm, đa số là phản chiến. Khoảng mười ngày sau họ về Mỹ và từ chối giúp đỡ, TT Thiệu hết hy vọng nên phải nghĩ tới kế hoạch tái phối trí lực lượng. Ngày 11-3-1975, ông họp với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, các Tướng Cao Văn Viên,  Đặng Văn Quang tại Dinh Độc Lập và cho biết vì nay không đủ lực lượng nên cần tái phối trí. Theo ông những vùng quan trọng là QK III, QK IV, những vùng cần chiếm lại là những nơi đông dân trù phú, có giá trị về lâm sản. Tại QK II phải chiếm lại Ban Mê Thuột vì tỉnh này quan trọng, miền duyên hải QK II giữ được phần nào hay phần nấy.  Ta chỉ có thể giữ được Quân khu III, Quân Khu IV và một vài tỉnh duyên hải QK I và QK II. Quân khu I chỉ giữ Huế và Đà Nẵng (14)

Ngày 14-3-1975, TT Thiệu bay ra Cam Ranh mở phiên họp cao cấp quân sự, có mặt các ông Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Cao Văn Viên, Phạm Văn Phú (Tư lệnh QK II). (Phạm Huấn ghi lại theo lời kể của Tướng Phú trong cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975). Ông Thiệu cho biết Quốc hội Mỹ cắt quân viện, hủy bỏ những cam kết yểm trợ không lực khi bị tấn công, lãnh thổ phòng thủ quá rộng nên ta phải tái phối trí lực lượng. Tướng Phú phải rút quân bỏ Kontum Pleiku về duyên hải, qua Nha Trang sau đó sẽ hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột.
Tại Quân khu II, VNCH có 2 sư đoàn bộ binh (22, 23) và 7 liên đoàn Biệt động quân, BV có 5 sư đoàn bộ binh và 4 trung đoàn độc lập
Tướng Phú xin ở lại tử thủ nhưng ông Thiệu bác bỏ, và căn dặn phải dấu không được cho các Tỉnh trưởng, Quận trưởng biết, họ phải ở lại chiến đấu. Về buổi họp này Tướng BV Văn Tiến Dũng ghi lời khai của Chuẩn tướng Phạm Duy Tất cũng gần giống như vậy, ông Cao Văn Viên ghi lại chi tiết buổi họp cũng gần giống như lời Phạm Huấn.
Tướng Cao Văn Viên cho biết quốc lộ 21 về Nha Trang không đi được vì đường 14 từ Pleiku tới Ban Mê Thuột đã bị BV cắt, đường 19 nối Pleiku với Qui nhơn bị Cộng quân đóng chốt nhiều nơi, đèo An Khê bị cắt ở hai phía đông tây, chỉ con đường số 7B. Con đường này tuy tạo được yếu tố bất ngờ nhưng bị bỏ hoang cầu cống hư hỏng.
Kế hoạch được giữ bí mật, Liên đoàn 20 công binh chiến đấu mở đường, thiết giáp đi theo các đoàn xe để bảo vệ, hai liên đoàn Biệt động quân và thiết giáp đi bọc hậu đoàn quân di tản.
Ngày 16-3-1975 đoàn xe bắt đầu rời Pleiku gồm các đơn vị quân cụ, đạn dược, pháo binh, khoảng 200 xe. Tướng Phú và bộ tư lệnh đi trực thăng về Nha Trang, Chuẩn tướng Phạm Duy Tất lo đôn đốc cuộc di tản. Mỗi ngày một đoàn xe khoảng 200 hay 250 chiếc, ngày đầu êm xuôi vì bất ngờ. Điều xui xẻo là đường rút lui lại gần vị trí đóng quân của Sư đoàn 320 BV tại Buôn Hô, Ban Mê Thuột, chúng đuổi theo ngày 16-3, (ngày 18 đã bắt kịp)
Ngày hôm sau 17-3 Các đơn vị pháo binh còn lại, công binh, quân y, tổng cộng chừng 250 xe. Khi ấy dân chúng chạy ùa theo làm náo loạn
Ngày 18-3 Bộ chỉ huy Quân đoàn về tới Hậu Bổn, Phú Bổn, Việt Cộng đuổi theo pháo kích dữ dội gây thiệt hại hầu hết chiến xa và trọng pháo tại đây. Địch pháo kích phi trường gây kinh hoàng cho đoàn di tản. Lực lượng chiến xa pháo binh dồn đống tại Phú bổn bị thiệt hại nặng tới 70%.
Chặng đường cuối cùng về Tuy Hòa rất cam go vì có nhiều chốt VC, trời mưa lạnh, địch pháo kích đoàn di tản để cầm chân ta. Ngày 27-3 sau khi thanh toán chốt cuối cùng đoàn di tản về tới Tuy Hòa buổi tối tổng cộng 300 xe (trong số 1,200 xe) mở đường máu về được Tuy Hòa
Theo lời kể Đại tá Phạm Bá Hoa khi ta rút khỏi Pleiku và Kontum 4 ngày (kể từ 16-3) CSBV mới tiến quân vào hai tỉnh lỵ này, chúng còn đóng ở xa. (PBH: Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7B). Theo The World Almanac Of The Viet Nam War trong số khoảng 400,000 người dân Cao nguyên chạy loạn chỉ có chừng một phần tư tới Tuy Hòa. Tướng Hoàng Lạc nói trong số khoảng 200,000 dân chạy loạn chỉ có 45,000 tới Tuy Hòa. 60,000 chủ lực quân chỉ có 20,000 tới được Tuy Hòa. Lữ đoàn 2 Thiết Kỵ với trên 100 xe tăng nay chỉ còn 13 chiếc M-113. Tướng Cao Văn Viên nói ít nhất 75% lực lượng, khả năng tác chiến của Quân đoàn II gồm Sư đoàn 23 BB, BĐQ, Thiết giáp, Pháo binh, Công binh… bị hủy hoại trong vòng 10 ngày. Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột không thể thực hiện được vì không còn quân.
Tại Quân khu I, VNCH có ba sư đoàn cơ hữu 1, 2, 3 và hai sư đoàn tổng trừ bị  (Dù, TQLC) và 4 liên đoàn Biệt động quân nhưng ông Thiệu lại cho rút sư đoàn Dù về Trung ương
Ngày 14/3 sau khi họp với TT Thiệu Tướng Trưởng từ Sài Gòn về Quân đoàn I họp tham mưu, thảo luận kế hoạch tái phối trí
Ngày 17/3 Lữ đoàn 258 TQLC sẽ rời Quảng Trị để về Đà Nẵng thay lữ đoàn 2 Dù. Dân chúng sợ hãi đã di tản ồ ạt trên Quốc lộ 1 gây cản trở.
Ngày 18/3 Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ra Đà Nẵng để giải quyết vấn đề dân tỵ nạn, ông cho Tướng Trưởng biết sẽ không có quân tăng viện Quân khu I
Ngày 19/3 Tướng Trưởng được triệu về Sài Gòn họp lần thứ hai để trình bầy hai kế hoạch lui binh:
Kế hoạch Một: các đơn vị sẽ theo Quốc lộ I từ Huế, Chu lai về Đà Nẵng, trong trường hợp Quốc lộ I bị cắt thì sẽ theo kế hoạch Hai.
Kế hoạch Hai: Các lực lượng Quân đoàn sẽ tập trung tại ba cứ điểm Huế, Đà Nẵng và Chu Lai, tầu Hải quân sẽ chuyên chở lính từ Huế Chu Lai về Đà nẵng. Đà Nẵng là điểm phòng thủ chánh. Tướng Trưởng đề nghị giữ cả ba cứ điểm để phân tán lực lượng và gây tổn thất tối đa cho địch, ông Thiệu cho biết giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Ngày 19/3 Quảng Trị bỏ ngỏ, chi đoàn Thiết giáp, Liên đoàn 14 BĐQ rút về bên này Mỹ chánh lập phòng tuyến mới.
Sáng 20/3 Tướng Trưởng bay ra bộ chỉ huy tiền phương họp các cấp chỉ huy bàn kế hoạch phòng thủ Huế như Tổng thống ra lệnh phải giữ bằng mọi giá.
Đến chiều khi về tới Đà Nẵng, Tướng Trưởng nhận được lệnh của của dinh Độc Lập chỉ giữ Đà Nẵng thôi nếu tình hình bó buộc, vì không đủ sức để bảo vệ cả ba cứ điểm Chu lai, Huế và Đà Nẵng.
Quân khu I ngày một nguy ngập, Cộng quân đã bắt đấu tấn công mạnh theo thế gọng kìm từ trên Quảng Trị đánh xuống và từ dưới Quảng Ngãi đánh lên. Tại Huế, Trung đoàn 1 BB (SĐ1) và Liên đoàn 15 Biệt động quân bị đẩy lui, Tướng Trưởng ra lệnh thu gọn tuyến phòng thủ Huế.
Dân chúng và quân cụ bắt đầu được chở bằng tầu ra khỏi Đà Nẵng. Sáng ngày 24/3 tại phía Nam Quân khu I, BV tấn công mạnh tại Quảng Tín, Trung đoàn 52 BV và xe tăng đánh Tam Kỳ, đặc công đột nhập tỉnh lỵ thả tù gây rối loạn đến trưa thì Tam Kỳ thất thủ. Dân ùn ùn chạy về Đà Nẵng. Quảng Ngãi bị Cộng quân tấn công dữ dội,
Ngày 25/3 tất cả các đơn vị Quân đoàn I tụ lại 3 phòng tuyến chính: Nam Chu Lai, Đà Nẵng và Bắc Huế, các lực lượng của Quân đoàn I bị thiệt hại nhiều khi di tản về các phòng tuyến này. Một nửa Sư đoàn 2 đã lên tầu đưa về Bình Tuy, chính phủ tuyên bố Huế và Chu lai thất thủ ngày 25/3.
Huế bắt đầu di tản, Sư đoàn I và các đơn vị cơ hữu rút ra cửa Tư Hiền. Sư đoàn TQLC và các đơn vị trực thuộc sẽ triệt thoái bằng tầu Hải quân. Cộng quân đuổi theo nã pháo vào cửa Tư Hiền và các địa điểm tập trung gây nhiều thiệt hại. Hỗn loạn diễn ra không còn quân kỷ, Sư đoàn I tan rã tại đây chỉ có một phần ba về được đến Đà nẵng, tới nơi họ rã ngũ đi tìm thân nhân.
Trong khi đó Lữ đoàn kỵ binh với hơn 100 thiết giáp các loại từ mặt trận Bắc Huế tiến về cửa Thuận An, theo sau là các đơn vị pháo binh với hằng trăm khẩu pháo. TQLC, BĐQ, ĐPQ từ tuyến sông Bồ đang lũ lượt kéo về, hỗn loạn lại diễn ra. Hai tầu dương vận hạm đến cửa Thuận An để chở TQLC, tầu hải vận đĩnh và quân vận đĩnh chở người từ bờ ra dương vận hạm.
Các Sư đoàn Cộng quân tấn công bao vây Đà Nẵng, VNCH lập tuyến phòng thủ nhưng ngày 27/3/1975 bị vô hiệu trước sự hỗn loạn. Tại đây Quân đoàn I chỉ còn có Sư đoàn 3 và 2 lữ đoàn TQLC, các Sư đoàn 1 và 2 đã bị rã ngũ, một phần đã được tầu chở ra khơi. Lực lượng không đủ đương đầu với áp lực quá đông của địch.
Sáng ngày 28/3/1975 Tướng Trưởng họp khẩn cấp các đơn vị trưởng ban hành một số biện pháp vãn hồi trật tự và tái trang bị các đơn vị di tản trong thành phố nhưng không còn đủ quân tác chiến. Hai giờ trưa các xã ấp quanh Đà Nẵng đã bị địch chiếm.
CSBV pháo phi trường, căn cứ Hải quân rất dữ dội và chính xác. Liên lạc giữa Sài Gòn và Đà Nẵng bị cắt đứt, Tướng Trưởng lập tức ra lệnh bỏ Đà Nẵng, ông họp với Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư lệnh Hải quân vùng I và các cấp chỉ huy để hẹn địa điểm rút quân tại : chân đèo Hải Vân, núi Non Nước và cửa khẩu Hội An.
Rạng sáng ngày 29/3/1975 binh sĩ lội ra biển. Cuộc di tản êm xuôi cho đến khi khi địch phát hiện, pháo kích vào địa điểm tập trung quân và tầu ngoài khơi gây nhiều thiệt hại. Đoàn tầu di tản được khoảng 6,000 TQLC, 3,000 lính Sư đoàn 3 và nhiều đơn vị khác.
Đà Nẵng thất thủ ngày 29/3/1975, có tài liệu cho biết VNCH mất 130 máy bay tại Đà Nẵng, năm 1976 Tướng Trưởng cho biết khoảng 6,000 TQLC, và 4,000 quân thuộc các binh chủng khác đã được tầu bè cứu thoát. Tổng cộng có 70,000 người dân được cứu thoát và 16 ngàn lính. Bốn sư đoàn kể cả TQLC đã bị thiệt hại nặng nề.
Kỳ sau: Một số nhận xét của "phía bên kia"

 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Không có nhận xét nào:

Loading...