TIN NÓNG HOÀNG SA-TRƯỜNG SA, BIỂN ĐÔNG (VIỆT NAM)

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

TNBĐ)- Năm 1898, TQ tuyên bố “Hoàng Sa là đất hoang, không thuộc Hải Nam“

(TNBĐ) - Năm 1898, quan kinh lược Quảng Đông, Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa là đất hoang, không thuộc về Trung Hoa, không liên quan với chính quyền huyện Hải Nam nên không chịu bồi thường cho chủ 2 tàu buôn của Hà Lan vì tội hôi của. Chi tiết này cùng tấm bản đồ nổi tiếng thủ tướng Đức A. Merkel tặng ông Tập Cận Bình được nhắc lại trong bài viết “Vietnam Flays China’s position on south china sea” của Tiến sĩ Rajaram Panda, một chuyên gia hàng đầu về Đông Á người Ấn Độ. 
Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng ở Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản-Triều Tiên và Đông Bắc Á ở đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi (Ấn Độ).

Xin trích dịch: 
Biển Đông nổi lên là một trong những điểm nóng lớn, với nhiều nước tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ vùng biển này.
 Lý do sau cuộc tranh chấp này là kết quả của một bài báo vài năm trước, nêu vùng này có nguồn dầu khổng lồ cùng các tài nguyên khác.  
Trong nửa tá quốc gia đòi chủ quyền, Việt Nam, Trung Quốc và Philippines là 3 nước vướng vào một cuộc tranh chấp mãnh liệt. TQ tung ra “đường 9 đoạn” tham lam nhằm chiếm chủ quyền 80% biển Đông nên tạo ra tranh chấp biển với Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Indonesia, Brunei và Malaysia.
Trong nửa tá quốc gia đòi chủ quyền vùng biển này, TQ đòi phần lãnh hải lớn nhất, một khu vực được diễn tả bằng “đường 9 đoạn” vốn kéo dài hàng trăm dặm từ miền đông và nam tỉnh Hải Nam. 
Vài năm qua, lãnh đạo Việt Nam, Philippines, TQ đều dùng các diễn đàn khu vực và quốc tế để tố cáo tuyên bố chủ quyền của nhau, đồng thời khẳng định vị thế của nước mình trên biển Đông.
Trong khi Việt Nam và Philippines muốn giải quyết tranh chấp theo chuẩn mực quốc tế, TQ lại muốn giải quyết song phương, nơi họ có thể bắt nạt bên yếu hơn bằng cách trương cơ bắp quân sự.
Philippines đã đưa vụ tranh chấp này lên Tòa án trọng tài quốc tế, Việt Nam tìm kiếm sự hiểu biết, hợp tác của nước bạn để giải quyết vấn đề này, và cũng sẵn sàng chiến đấu với quân TQ nếu TQ lao theo bất kỳ hình thức nào của chủ nghĩa phiêu lưu.
Quan điểm của Việt Nam
Ngày 23.6.2014, Đại sứ TQ tại Thái Lan Ning Fukui viết một bài báo trên nhật báo Matichon (Thái Lan) thể hiện quan điểm của TQ về vấn đề biển Đông.
Đáp lại, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông Nguyễn Tất Thành viết một bài báo cũng do báo trên đăng ngày 7.7, để phản bác quan điểm sai trái của Đại sứ Fukui, bằng cách cung cấp nhiều sự thật và thông tin.   
Đáng chú ý, tựa bài viết của ông Thành là  “Ai mới thật sự là kẻ phá rối ở biển Đông ?”, tố cáo TQ tạo ra rắc rối không cần thiết trên vùng biển này khi khẳng định tuyên bố chủ quyền.  
Theo Đại sứ Thành, thông tin mà ông Fukui dùng trong bài viết để cãi rằng Việt Nam “quấy quả” TQ, trong thực tế là ông Fukui sao chép một bài báo đăng trên trang điện tử của Bộ Ngoại giao TQ vào ngày 8.6.2014.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao TQ chưa bao giờ trình được chứng cứ thuyết phục và vô tư để bảo vệ quan điểm trong bài viết. Vì thế, nhận xét của Fukui bị “hớ” ngay từ đầu.   
Ngày 2.5.2014, TQ lén lút hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, dẫn đến sự phẫn nộ trong các cuộc thăm dò nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, gồm nhiều nghị sĩ Quốc hội Việt Nam.
Hành vi hạ đặt giàn khoan phi pháp của TQ còn được đi kèm bằng các hoạt động hung hăng và phi nhân của các tàu hộ tống giàn khoan. Các cơ quan truyền thông trong khu vực và quốc tế đều đưa thông tin rõ ràng về vụ này.
Khi làm thế, TQ đã tự vi phạm thỏa thuận song phương cấp cao dựa trên các nguyên tắc hướng dẫn giải quyết tranh chấp biển và luật quốc tế, gồm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố ASEAN-TQ về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Trong bài viết, Đại sứ Fukui nhận định chính phủ TQ đã không ngừng thể hiện chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa từ giữa thế kỷ 10. Tuy nhiên, quan điểm này không chỉ mâu thuẫn lịch sử, mà còn thiếu cơ sở pháp lý.
Mặt khác, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với EEZ và thềm lục địa theo đúng luật quốc tế. 
Việt Nam là quốc gia đầu tiên kiểm soát và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ 17, khi vùng lãnh thổ này là đất hoang. Nhà Nguyễn cũng lập đội binh Hoàng Sa để quản lý và phát triển Hoàng Sa.
Hàng năm, đội quân này ra Hoàng Sa để khai thác nguồn tài nguyên, tiến hành các cuộc thăm dò, trồng cây, dựng tượng đài, xây chùa chiền và cứu các tàu đắm v.v…
Việt Nam tuyên bố tất cả các hoạt động này đều được ghi trong các tài liệu chính thức.
Là một quốc gia, Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn muốn củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Trung. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Việt Nam Thông tấn xã ngày 20.6. 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam mong muốn duy trì hòa bình, ổn định để phát triển, do Việt Nam chịu quá nhiều tàn phá mất mát sau nhiều thập niên chiến tranh.
Cùng lúc, ông Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận các hành động của TQ dù mạnh mẽ thế nào để buộc Việt Nam phải nhượng lãnh thổ thiêng liêng và chủ quyền quốc gia.
Việt Nam đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ, rằng chính phủ quyết tâm bảo vệ từng tấc đất tấc biển không bị xâm lược cho mọi công dân Việt Nam cùng quyền toàn vẹn lãnh thổ.  
Phiên họp khóa 9 của Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 6.2014 đã dành nhiều thời gian đáng kể để tranh luận vấn đề giàn khoan của TQ. Phiên họp đạt sự nhất trí rằng hành vi của TQ là không thể chấp nhận được, và không thể có chuyện nước lớn thách thức công lý và đạo lý.
Phiên họp cũng lưu ý, rằng nhân dân Việt Nam  đã trải qua nhiều cuộc chiến, dũng cảm chống bọn xâm lược từ hàng ngàn năm qua và luôn sẵn sàng đối phó bất kỳ cuộc xâm  lược nào trong tương lai. Lần này, cộng đồng thế giới hoan nghênh quan điểm của Việt Nam.
Đại sứ Thành lưu ý sự mâu thuẫn với lịch sử trong bài viết của Đại sứ Fukui: năm 1898, khi chủ hai chiếc tàu Bellona và Himeji Maru yêu cầu chính quyền Trung Hoa bồi thường việc ngư phủ Trung Hoa hôi của khi hai tàu này bị đắm trong biển Hoàng Sa, thì quan kinh lược Quảng Đông tuyên bố Hoàng Sa là đất hoang, không thuộc về Trung Hoa, không liên quan với chính quyền huyện Hải Nam và không có cấp chính quyền nào phụ trách vùng đảo này.  
Cách nhắc khéo của bà Merkel 
Điều này có thể hiểu được, vì trong một giai đoạn dài lịch sử, các triều Nhà Minh và Nhà Thanh theo đuổi chủ trương “haijin”, thể hiện sự sợ hãi của họ về những đe dọa từ biển cả, hơn là ý định rời đất liền ra làm chủ biển cả.
Dựa trên quan điểm này của TQ về chủ quyền biển và Hoàng Sa, một bản đồ do nhà vẽ bản đồ nổi tiếng Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville (người Pháp) vẽ và được in ở Đức hồi thế kỷ 18, chỉ cho thấy điểm xa nhất của lãnh thổ TQ dưới thời vua Càn Long (1736-1795) là đảo Hải Nam, chứ không có các đảo trên biển Đông như Hoàng Sa. 
Tấm bản đồ này đã được nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, khi ông thăm Đức hồi tháng 3.2014. 
Đại sứ Thành còn nêu các tài liệu TQ cũng công nhận chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, như bộ HaiwaiJishi (1696) hoặc Hailu (1820) và trên các tạp chí quốc tế, như Journal of the Asiatic Society of Bengal (1837) hoặc Journal of the Geographical Society of London (1849).
Còn có các tài liệu không chính thức nêu TQ đoạt Hoàng Sa khỏi tay Nhật Bản năm 1946, như Đại sứ Fukui nêu trong bài báo của ông ta.
Nhưng mâu thuẫn ở chỗ: tại Hội nghị San Francisco 1951, lời đề nghị Nhật công nhận TQ có chủ quyền Hoàng Sa đã bị 46/51 quốc gia tham dự hội nghị bác.
Cũng tại hội nghị trên, trưởng đoàn Việt Nam là Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và không có sự phản đối nào.
Sau này, Hội nghị Geneve 1954 để phục hồi hòa bình ở Đông Dương, tuyên bố các bên liên quan sẽ tôn trọng nền độc và quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Điều khoản này gồm cả quần đảo Hoàng Sa lúc đó do quân đội Pháp và Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.
Việc TQ tuyên bố đã đánh bật quân Việt Nam Cộng hòa khỏi Hoàng Sa là đi ngược lại tinh thần Hội nghị Geneve 1954 vốn công nhận chủ quyền toàn vẹn  lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và TQ chỉ là một bên liên quan.
Hơn nữa, đó là một hành vi xâm lược của TQ bằng cách sử dụng vũ lực, đã bị chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận giải phóng miền Nam cực lực lên án. Và vì thế, không thể xem đó là chứng cứ cho TQ tuyên bố chủ quyền như họ đã nêu trong Bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao TQ ngày 12.5.1988.
Đại sứ Fukui tuyên bố hoạt động của giàn khoan Haiyang Shiyou 981 hồi tháng 5.2014 là sự kéo dài quá trình khoan dầu đã tiến hành trong 10 năm qua, trong vùng chủ quyền của TQ . Nhưng việc TQ nói Việt Nam không có quyền bình luận cũng như không có quyền phản đối,  chính là một tuyên bố sai trái và phi pháp.
Việt Nam luôn phản đối các hành vi sai trái của TQ như thăm dò, khai thác bằng nhiều phương cách và ở các mức độ khác nhau. Trong thực tế, TQ hạ đặt phi pháp Haiyang Shiyou 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khoảng 60-80 hải lý.  Như thế là vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, như đã nêu trong UNCLOS 1982 mà Việt Nam và TQ đều tham gia.
Đại sứ Fukui tuyên bố giàn khoan Haiyan Shiyou 981 nằm trong hải phận đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa của Việt Nam), nhưng tuyên bố này phi hiệu lực, đi ngược lại UNCLOS 1982.
Hồi tháng 9.1975, ông Đặng Tiểu Bình ra một tuyên bố, trong đó ông nêu cả TQ và Việt Nam nên thương lượng để giải quyết vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Nhưng Bản ghi ngớ của Bộ Ngoại giao TQ ngày 12.5.1988 không nhắc lại sự kiện này.
Thay vào đó, TQ tỏ ra ngang ngược và hỗ trợ các hoạt động phi pháp của giàn khoan Haiyan Shiyou 981, bằng cách triển khai 140 tàu và máy bay, gồm các tàu chiến hiện đại có trang bị vũ khí, để cản trở lực lượng cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam hoạt động trong lãnh hải Việt Nam.
Tàu TQ còn đâm va, xịt vòi nước vào tàu Việt Nam, gây thương tích cho hàng chục nhân viên kiểm ngư và ngư dân Việt Nam, gây tổn hại nhiều tàu chấp pháp Việt Nam. Tất cả các hành vi ngang ngược này diễn ra chỉ cách giàn khoan khoảng 10 hải lý.
Các hành vi phi nhân văn của TQ càng đáng lên án, sau khi họ đâm chìm một tàu đánh cá của ngư dân trong EEZ của Việt Nam rồi không cho các tàu Việt Nam vớt cứu 10 ngư dân của chiếc tàu bị đâm chìm. 
Dân tộc Việt Nam sẽ không ngồi yên 
Những trò bắt nạt này sẽ luôn bị bất kỳ nền văn minh nào lên án, và hành vi của TQ là không văn minh.
Hành vi này không chỉ vi phạm luật quốc tế gồm UNCLOS 1982, DOC cùng các thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt-Trung, vụ việc không còn là một vấn đề song phương giữa Việt Nam và TQ nữa, mà nay là một sự đe dọa sự an ninh, tự do hàng hải và ổn định khu vực.
Vì thế, các nước khác trên thế giới đều ủng hộ quan điểm của Việt Nam, bày tỏ sự lo ngại và yêu cầu TQ lập tức chấm dứt các hành vi khiêu khích. TQ là nước lớn, phải có trách nhiệm lớn đối với sự ổn định của khu vực. Họ phải có các biện pháp kéo giảm căng thẳng do chính họ tạo ra.
Để làm thế, TQ phải rút ngay giàn khoan Haiyang Shiyou 981 và tàu hộ tống ra khỏi lãnh hải Việt Nam và hợp tác với Việt Nam để có giải pháp xử lý các vấn đề tranh chấp. Để làm thế, mỗi nước phải trình chứng cứ lịch sử và lý lẽ pháp lý lên một cấp tòa quốc tế để có một quyết định.
Nếu TQ chấp nhận các biện pháp hòa bình để giải quyết xích mích và tuân thủ phán quyết của một cấp tòa để thỏa mãn các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines và Thái Lan, thì lúc đó chỉ có TQ có thể chứng minh là một nước lớn có tinh thần trách nhiệm.
TQ phải từ bỏ tinh thần nước lớn đi dọa nạt các nước nhỏ hơn bằng cách biểu dương cơ bắp quân sự.
TQ phải đừng đánh giá thấp khả năng trã đũa của Việt Nam, khi hành vi của họ làm nhiều người Việt Nam có truyền thống yêu  nước nhiệt thành phải bức xúc, phẫn nộ. Họ sẽ không để yên khi chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa, người Việt Nam sẽ đoàn kết một lòng bảo vệ Tổ quốc của họ.
TQ cần phải học vài bài học và có biện pháp sửa sai, để tránh tình hình xấu bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng khu vực khác.
Nếu TQ chân thành không muốn hòa bình khu vực châu Á bị rối loạn, họ phải rút ngay giàn khoan khỏi lãnh hải Việt Nam. 90 triệu dân Việt Nam không ngồi yên chứng kiến bất công từ việc một nước châu Á khác dùng cơ bắp quân sự mới có để xâm lược nước họ, để đe dọa các nước nhỏ và vi phạm luật quốc tế mà không bị trừng phạt….
Tôi muốn kết thúc bài phân tích này với việc thuật lại lời Chủ tịch Trương Tấn Sang nói với Việt Nam thông tấn xã ngày 20.6.2014. Ông Sang trích dẫn lời Vua Lê Thánh Tông nói với các quan triều đình, được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.
Đó là quan điểm chính thức của Việt Nam. TQ có lắng nghe?"



 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Nhìn lại 75 ngày giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặ...



Nhìn lại 75 ngày giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của VN. Ngay sau khi Cục Hải sự TQ ra thông báo hàng hải ngày 3/5 thông báo về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 từ ngày 2/5 đến 15/8, VN đã lên tiếng phản đối việc TQ có hành động xâm phạm chủ quyền của VN trên Biển Đông. VN đã cảnh cáo TQ rằng vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN, cách bờ biển VN khoảng 130 hải lý. Theo đó, VN yêu cầu TQ dừng ngay lập tứccác hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan hoạt động trái phép ra khỏi vùng biển của VN. VN cũng cảnh báo mọi sự chịu đựng đều có giới hạn trước hành động leo thang của TQ với việc tổ chức các loại tàu, trong đó có tàu quân sự để uy hiếp, tấn công tàu VN. Theo Vietnamnet.







(TNBĐ) - TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

(TNBĐ)- CHXHCN Việt Nam co bị ràng buộc bởi công thư 1958 không?

(TNBĐ) -Cho dù những suy diễn về ý nghĩa của Công thư 1958 có đi xa như thế nào, cũng như phía Trung Quốc có đưa thêm bất kỳ bằng chứng gì, thì những gì liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa xảy ra ngoài lãnh thổ miền Nam Việt Nam trước 24.6.1976 không hề ràng buộc CHXHCN Việt Nam.

Những ngày vừa qua, trên báo chí nổi lên cuộc tranh luận về Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng cũng như về một vài tư liệu khác (bản đồ, sách giáo khoa…) mà ngày 9.6.2014 Trung Quốc đề nghị cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc.

Sau khi đọc những tài liệu trên và một số bài của các học giả Trung Quốc, tôi thấy cần phải trao đổi đôi điều về vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam - một trong những luận cứ chính mà phía Trung Quốc muốn dùng để bào chữa cho hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Một số khái niệm cơ bản về thừa kế quốc gia
1. Thừa kế quốc gia là một chế định luật pháp quốc tế khá phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn. Cho đến khi ra đời 2 Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ): Công ước về thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế năm 1978; Công ước về thừa kế quốc gia đối với tài sản, lưu trữ và nợ quốc gia năm 1983, các luật gia trên thế giới đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này.
Căn cứ vào hai Công ước nói trên, có 3 trường hơp làm phát sinh thừa kế quốc gia, đó là: Thừa kế khi thuộc địa trở thành quốc gia mới độc lập; Thừa kế khi có sự sáp nhập hoặc tách rời quốc gia; Thừa kế khi chuyển giao một bộ phận lãnh thổ từ quốc gia này sang quốc gia khác. 
Nhiều luật gia còn nêu ra trường hợp thừa kế quốc gia sau cách mạng xã hội, nhưng hai Công ước 1978 và 1983 đã không coi cách mạng xã hội là một trường hợp dẫn đến thừa kế quốc gia. Như vậy, luật pháp quốc tế coi cách mạng xã hội chỉ làm thay đổi chế độ chính trị (chính phủ) trong một quốc gia chứ không hình thành nên một quốc gia - chủ thể mới của luật pháp quốc tế. Trong 3 trường hợp trên, về khách quan chúng ta đều thấy có sự hiện diện của hai quốc gia là quốc gia tiền bối (predecessor state) và quốc gia thừa kế (successor state) khác nhau (với đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia theo Công ước Montevideo, bao gồm: dân cư, lãnh thổ và một chính quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại), còn trong trường hợp cách mạng xã hội thì tương đối khó chứng minh điều này.
2. Hai Công ước của LHQ đều định nghĩa: “Thừa kế quốc gia” là sự thay đổi đối với trách nhiệm về quan hệ quốc tế của lãnh thổ từ một quốc gia này sang một quốc gia khác. (Succession of states” means the replacement of one state by another in the responsibility for the international relations of territory).
Đồng thời với việc xác định ba trường hợp thừa kế quốc gia, hai Công ước cũng quy định những nguyên tắc pháp lý áp dụng cho từng trường hợp thừa kế nói trên. Khác với nguyên tắc “thừa kế đương nhiên và toàn bộ” trong trường hợp sáp nhập hoặc tách rời quốc gia, trường hợp các quốc gia mới độc lập, nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế cũng như nợ quốc gia được áp dụng trong hai Công ước về cơ bản là nguyên tắc “xóa sạch” (tabula rasa) hay còn gọi là thừa kế có chọn lọc.
Việt Nam là quốc gia mới độc lập đã áp dụng nguyên tắc này trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945: “Chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn khỏi quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những Hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. 
3. Mặc dù vậy, vẫn có một nguyên tắc được áp dụng chung cho tất cả mọi trường hợp thừa kế quốc gia - đó là khi thừa kế quốc gia liên quan đến biên giới và lãnh thổ. Đ.11 và 12 của Công ước 1978 về thừa kế quốc gia quy định: thừa kế quốc gia không làm ảnh hưởng đến đường biên giới, chế độ biên giới hoặc quy chế các vùng lãnh thổ được quy đinh trong các điều ước quốc tế. Nói cách khác tức là các quốc gia thừa kế (ngay cả trường hợp quốc gia mới độc lập), đều không thể đơn phương hủy bỏ, thay đổi các điều ước về biên giới, về chế độ biên giới hoặc về quy chế một vùng lãnh thổ nào đó. Nếu điều ước đó là bất hợp lý thì quốc gia mới được thành lập (quốc gia thừa kế), trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải đàm phán với các quốc gia liên quan để sửa đổi.
Đ.11 và 12 làm rõ thêm quy định của luật pháp quốc tế: tranh chấp về biên giới lãnh thổ không thể giải quyết bằng các hành động đơn phương, đặc biệt là bằng vũ lực. Điều này vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: nguyên tắc cấm sử dụng vũ lưc và đe dọa sử dụng vũ lưc, nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình…
Thừa kế quốc gia của Nhà nước Việt Nam
1. Trước khi bị Pháp xâm lược, nước Việt Nam, mà người đại diện là Triều đình của các Hoàng đế nhà Nguyễn, đã là một quốc gia - chủ thể của luật pháp quốc tế. Các vua chúa nhà Nguyễn là người đã xác lập và thực thi chủ quyền của quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thông qua việc ký Hiệp ước 1884 với Triều đình Huế, về phương diện pháp lý quốc tế, Pháp đã hoàn tất quá trình biến Việt Nam thành thuộc địa của mình. Từ thời điểm này, Việt Nam mất độc lập chủ quyền, không có quan hệ đối ngoại, không phải là chủ thể luật pháp quốc tế.
Theo luật pháp quốc tế thời bấy giờ thì Pháp là quốc gia thừa kế của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Với tư cách đó, Pháp đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới trên bộ với Triều đình nhà Thanh và khi phân chia các đơn vị hành chính Việt Nam, Pháp đã đưa Hoàng Sa vào quản lý hành chính của tỉnh Quảng Nam, Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Cũng với tư cách là quốc gia thừa kế của Việt Nam, chính phủ Pháp đã cho xây dựng trạm khí tượng trên Hoàng Sa và cấp phép cho các công ty khai thác phân dơi trên quần đảo này…
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm độc quyền cai trị Việt Nam dẫn đến sự kiện Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ các điều ước bất bình đẳng 1862, 1874, 1884 giữa Việt Nam và Pháp, xóa bỏ quy chế thuộc địa và việc chia cắt Việt Nam thành ba Kỳ. Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng với sự kiện này Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền. Tuyên cáo của Bảo Đại ngày 11.3.1945 nói “nước Việt Nam khôi phục quyền độc lập” không thể coi là văn kiện làm phát sinh thừa kế quốc gia, nếu có chăng chỉ là việc Nhật thừa kế các quyền lợi của Pháp tại Việt Nam. Nhật đã thay thế Pháp quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.
2. Với Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền, chủ thể của luật pháp quốc tế. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Tuyên ngôn Độc lập: “Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ dân chủ công hòa… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.
Câu nói trên đã khái quát một cách hết sức cô đọng vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) xuất hiện như một quốc gia mới độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế, nhưng không phải tách ra từ thuộc địa của Pháp, vì “Pháp đã chạy”, những điều ước của Pháp đã bị xóa bỏ. Nước Việt Nam cũng không phải là quốc gia thừa kế trực tiếp của Nhật, vì lúc đó Nhật đã đầu hàng Đồng minh. VNDCCH lại càng không phải là quốc gia thừa kế của Triều đình Huế, bởi vì không thể có thừa kế quốc gia đối với triều đình bù nhìn.
Việc ngày 23.9.1945, Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam và trong thời gian đầu chiếm được phần lớn lãnh thổ Việt Nam không đem lại địa vị pháp lý quốc tế mà Pháp đã có ở Việt Nam trước năm 1945. Đó chỉ là hành động xâm lược đối với một quốc gia đã có độc lập chủ quyền là VNDCCH. Với sách lược hòa hoãn, VNDCCH đã ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 cho nên, về khách quan, giữa VNDCCH và Pháp chưa thể diễn ra việc chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế cụ thể theo thừa kế quốc gia.
3. Để đối phó với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ngày 8.3.1949 Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Élysée, công nhận “nền độc lập của Việt Nam”, trên cơ sở đó Bảo Đại về nước thành lập Quốc gia Việt Nam (từ 1956 đổi thành Việt Nam Cộng hòa - dưới dây gọi chung là VNCH). Hiệp định Élysée 1949 cùng với Hiệp ước trao trao trả độc lập cho Việt Nam ngày 4.6.1954 được nhiều luật gia miền Nam trước đây coi là hai văn kiện pháp lý quốc tế đánh dấu sự ra đời của môt quốc gia Việt Nam độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế và là văn kiện quy định về thừa kế quốc gia của Việt Nam sau khi chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp. Về khoa học pháp lý quốc tế, những khẳng định này là không đúng.
Từ thời điểm này trên lãnh thổ Việt Nam song song tồn tại hai chính phủ là VNDCCH và VNCH, cả hai chính phủ này đều coi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau thuộc quyền quản lý của mình và chỉ có mình là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của Việt Nam.
Trên thực tế, Pháp đã sử dụng khá thành công hai văn kiện 1949 và 1954 nói trên để từ chối quan hệ với VNDCCH và chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam cho VNCH với tư cách là quốc gia thừa kế của Pháp. Với sự vận động của Pháp, VNCH đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế thuộc hệ thống của LHQ như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO - tháng 6.1950), Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO - tháng 11.1950), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO - tháng 6.1951), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA - tháng 9.1961)… Phần lớn các nước phương Tây, trong khi không công nhận VNDCCH, đã thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi Đại sứ với VNCH. Họ coi VNCH như là người đại diện cho quốc gia Việt Nam.
VNCH tham dự Hội nghi San Francisco 1951, tại đây đã chính thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa  và sau đó đã tiếp quản và quản lý hai quần đảo này từ tay Pháp với tư cách quốc gia thừa kế.
Đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ VNDCCH, bắt đầu từ tháng 1.1950 Trung Quốc, Liên Xô rồi sau đó là một loạt các nước Xã hội chủ nghĩa (XHCN) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH. Các nước XHCN công nhận VNDCCH như là người đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất của Việt Nam, từ chối quan hệ chính thức với VNCH.
4. Hiệp định Genève 1954 là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương quan trọng đầu tiên công nhận “chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Bên cạnh Pháp và VNDCCH, tham dự Hội nghị Genève cùng với các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh và Campuchia, Lào còn có đại diện của Quốc gia Việt Nam. Đại diện của Chính phủ Bảo Đại đã từ chối ký Hiệp định Genève với lý do chính đưa ra là phản đối việc Hiệp định này chia cắt Việt Nam thành hai miền.
Theo Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết (chính quyền và quân đội VNDCCH tập trung về miền Bắc; chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam). Mặc dù “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”. (Đ.6 Tuyên bố chung), nhưng Đ.14 (k.a) lại quy định "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy (TG nhấn mạnh)". 
5. Sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng đưa đến việc thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) vào ngày 8 tháng 6 năm 1969. Từ tháng 6.1969 đến cuối năm 1975, CHMNVN đã được hơn 50 nước trên thế giới công nhận và lập quan hệ ngoại giao. 
Trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện thêm một chính phủ, nhưng khác với VNDCCH và VNCH, CHMNVN chỉ khẳng định chủ quyền của mình đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam (tức là từ phía Nam vĩ tuyến 17) và coi mình là “đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất cho nhân dân miền Nam Việt Nam”. CHMNVN được VNDCCH công nhận là chính quyền hợp pháp ở miền Nam Việt Nam và thiết lập Văn phòng Đại diện có quy chế ngoại giao tại Hà Nội.
Cho đến ngày 30.4.1975, bên cạnh việc tham dự Hội nghi Paris bốn bên về Việt Nam, CHMNVN vận động để được tham gia các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Đầu tiên là việc gia nhập Phong trào Không Liên kết tại Hội nghị cấp cao Alger 1973; sau đó là cuộc vận động để tham dự Hội nghị Ngoại giao về Luật quốc tế Nhân đạo tai Genève năm 1974; CHMNVN đã gửi Công thư cho Tổng thư ký LHQ yêu cầu được hưởng quy chế Quan sát viên tại tổ chức này (sau ngày 30.4.1975 CHMNVN tiếp quản quy chế Quan sát viên của VNCH tại LHQ)…
Đầu năm 1974, khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, CHMNVN đã có Tuyên bố chính thức phản đối hành động này vì coi mình là người quản lý lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
6. Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam 30.4.1975, CHMNVN đã có một loạt Tuyên bố khẳng định quyền thừa kế đối với tài sản quốc gia của miền Nam Việt Nam ở nước ngoài. Ví du như:  Tuyên bố ngày 1.5.1975 của Bộ Ngoại giao CHMNVN khẳng định mọi tài sản, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ lưu trữ, tài khoản ngân hàng, trụ sở, phương tiện giao thông và tất cả những tài sản khác của các cơ quan đại diện của VNCH ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế…) là tài sản của nhân dân miền Nam Việt Nam và phải do CHMNVN quản lý…
Cũng với cách tiếp cận tương tự, CHMNVN đã đòi quyền đại diện tại hầu như tất cả các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống LHQ mà trước đó VNCH đã tham gia (WHO, ILO, UNESCO, ICAO,  IAEA, IMF, WB…).
Việc CHMNVN tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ VNCH cũng như quy chế hội viên tại các TCQT diễn ra thuận lợi, không gặp một trở ngại nào về pháp lý vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới luật pháp quốc tế. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia. Việc tuyệt đại đa số thành viên Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng LHQ khóa XXX (1975) biểu quyết ủng hộ kết nạp CHMNVN cùng với VNDCCH làm thành viên LHQ càng chứng minh rõ việc này (năm 1975 không được kết nạp là do phiếu phủ quyết của Mỹ).
Về đối nội, các văn kiện Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất tổ quốc diễn ra tại TP.HCM ngày 21.11.1975 đã khẳng định CHMNVN thi hành quyền lực pháp lý ở miền Nam, còn VNDCCH thi hành quyền lực ở miền Bắc. Chính quyền CHMNVN đã tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp địa phương, và ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền.
Trên biển, quân giải phóng MNVN đã tiếp thu tất cả các đảo trên biển Đông phía Nam vĩ tuyến 17 do quân đội VNCH đồn trú mà không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào trong cũng như ngoài khu vực.
7. Tổng tuyển cử bầu quốc hội của nước Việt Nam thống nhất diễn ra trên toàn lãnh thổ VNDCCH và CHMNVN vào ngày 25.4.1976. Ngày 24.6.1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên quyết định đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) với Thủ đô là Hà Nội.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao CHXHCNVN có Công thư gửi cho các quốc gia và tổ chức quốc tế thông báo về những quyết định của Quốc hôi nước Việt Nam thống nhất và về việc hợp nhất cơ quan đại diện đối ngoại của VNDCCH và CHMNVN ở nước ngoài thành cơ quan đại diện của CHXHCNVN.
Tuy vậy, vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam lúc này diễn ra không hoàn toàn thuận lợi như trước đây. Quan điểm của CHXHCNVN không công nhận sự ràng buộc đối với những Hiệp định vay nợ mà VNCH đã ký trước ngày 30.4.1975 đã không được các quốc gia và tổ chức quốc tế chấp nhận. Quan điểm của các luật gia Việt Nam đấu tranh đòi áp dụng nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với quốc gia mới độc lập cũng không thuyết phục được đối tác trong các cuộc đàm phán. Các quốc gia và tổ chức quốc tế nhất quán quan điểm coi CHXHCNVN là chủ thể mới của luật pháp quốc tế, hình thành trên cơ sở sát nhập VNDCCH và CHMNVN. Ba trường hợp sau sẽ cho thấy thực tiễn giải quyết vấn đề thừa kế quốc gia của CHXHCNVN.
- VNCH là hội viện sáng lập của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từ 1966. Trong gần 10 năm, ADB đã dành cho VNCH 11 khoản vay để thực hiện 9 dự án phát triển. Cho đến 30.4.1975, VNCH còn nợ ADB 5.580.000 USD (gần như tương đương với 5.360.000 USD là khoản đóng góp mà VNCH đang có tại ADB). Sau khi giải phóng miền Nam, ADB đương nhiên coi CHMNVN là hội viên thay thế cho VNCH. Nhưng sau khi thống nhất đất nước, để có thể thừa kế quyền hội viên của CHMNVN thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải có Công thư ngày 30.8.1976 gửi cho Chủ tịch ADB tuyên bố thay mặt Chính phủ CHXHCNVN nhận tất cả những nghĩa vụ đối với các khoản tín dụng mà ADB dành cho miền Nam Việt Nam trước ngày 24.6.1976.
- Đối với các Hiệp định tín dụng mà Chính phủ Nhật cho VNCH vay trước 1975, cách giải quyết có khác hơn, nhưng về nguyên tắc vẫn không thay đổi. Sau những cuộc đàm phán khó khăn và kéo dài, đầu năm 1978 hai bên đã đi đến thỏa thuận: CHXHCNVN đồng ý trả khoản nợ của VNCH trong thời hạn 25 năm, để đổi lại, trong vòng 3 năm Nhật viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam một khoản tiền tương đương với khoản nợ của VNCH, đồng thời trong 2 năm tài khóa 1978 - 1979 Nhật sẽ cung cấp cho CHXHCNVN một khoản tín dụng 20 tỉ Yên với lãi xuất ưu đãi là 2,78% và thời gian trả nợ là 30 năm.
- Cuộc đàm phán đi đến bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào những năm 90 của thế kỷ trước cũng không phải là ngọai lệ, cuối cùng CHXHCNVN cũng đồng ý trả, tuy không phải là tất cả, những khoản tín dụng hợp lý mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết với VNCH.
Công thư 1958 có ràng buộc CHXHCNVN hay không ?
1. Từ những dẫn chứng trên có thể kết luận: VNCH là một quốc gia chủ thể của luật pháp quốc tế và những hành động với tư cách quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế của VNCH cần phải được tôn trọng. Thực tế lịch sử cho thấy, tất cả những quốc gia bị chia cắt sau Chiến tranh Thế giới II, đều trở thành các quốc gia độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế (CHLB Đức, CHDC Đức, Triều Tiên, Hàn Quốc…). Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chẳng phải trước kia nhiều quốc gia cũng đã từng không công nhận Hàn Quốc hoặc Triều Tiên nhưng nay đã có quan hệ ngoại giao với hai quốc gia này. Thực tế này không cản trở việc thống nhất Hàn Quốc và Triều Tiên trong tương lai (như trường hợp Việt Nam và Đức).
Chính phủ và các học giả Trung Quốc đang tìm cách không công nhận thực tế này với ý đồ tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa liệu có thể chối cãi được việc họ đã công nhận trên lãnh thổ Việt Nam giai đoạn 1954 - 6.1976 tồn tại hai quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế thông qua việc bỏ phiếu ủng hộ VNDCCH và CHMNVN cùng gia nhập LHQ với tư cách là quốc gia hội viên? Và còn nhiều bằng chứng không thể bác bỏ khác.
2. Với tư cách là quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế, VNCH đã tiếp quản và quản lý Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặc dù năm 1974 Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa, nhưng luật pháp quốc tế đã khẳng định rõ ràng, xâm chiếm bằng vũ lực vĩnh viễn không đem lai danh nghĩa chủ quyền cho quốc gia đã tiến hành những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
3. Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH  Phạm Văn Đồng không nói đến hai quần đảo, không thể dùng Công thư này để khẳng định VNDCCH công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy vậy, nếu không có Công thư này thì sẽ tránh được những sự lợi dụng ác ý.
Cho dù những suy diễn về ý nghĩa của Công thư 1958 có đi xa như thế nào, cũng như phía Trung Quốc có đưa thêm bất kỳ bằng chứng gì để vu cáo Việt Nam, thì những gì liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa xảy ra ngoài lãnh thổ miền Nam Việt Nam trước 24.6.1976 không hề ràng buộc CHXHCNVN. Với tư cách là quốc gia thừa kế của VNDCCH và CHMNVN, những gì liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa nếu có sự mâu thuẫn giữa hai quốc gia tiền bối thì những hành động (hơn nữa, đó là những hành động rõ ràng, kiên quyết và phù hợp với luật pháp quốc tế) của CHMNVN và Chính phủ tiền nhiệm của nó là VNCH, người thực sự quản lý hai quần đảo này một cách hợp pháp, sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với CHXHCNVN. Điều này được luật pháp quốc tế quy định rõ ràng. Xương máu bao đời của cả dân tộc Việt nam đã đổ ra để bảo vệ chủ quyền hai quần đảo sẽ không bao giờ trở thành vô ích.
4. Nếu có ai còn có những định kiến về học thuật (và cả chính trị, nếu có) thì cũng cần phải nhìn nhận thực tế khách quan được cả thế giới công nhận trên để đi đến những kết luận đúng đắn về thừa kế quốc gia của Việt Nam. Như G.V.Goethe, thi hào vĩ đại và là nhà tư tưởng của nước Đức đã từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Quốc Pháp

 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

(Trung Quốc)- Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (kỳ 10)

(TNBĐ) - “Sấm sét” nổ lớn ngay những giờ đầu của “Đại hội 7.000 người” bởi các đại biểu tập trung phản đối nội dung bản báo cáo do Ủy ban khởi thảo của Mao Trạch Đông soạn ra…


Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 10: “Bớt vài tấn đất” ngọn Chomolungma vẫn cao như thế?!

“Sấm sét” nổ lớn ngay những giờ đầu của “Đại hội 7.000 người” bởi các đại biểu tập trung phản đối nội dung bản báo cáo do Ủy ban khởi thảo của Mao Trạch Đông soạn ra…
Nguyên do: dự thảo báo cáo đó muốn trút hết lỗi lầm trong những năm thực hiện “bước tiến nhảy vọt” cho lãnh đạo các địa phương từ cấp tỉnh trở xuống. Trong lúc Mao Trạch Đông mới chính là người gây hậu quả thảm khốc, đưa số người chết đói chiếm tỷ lệ 5,11% dân số cả nước và dẫn đến tình trạng rối bời khắp nơi. Có những trường hợp cố gắng “tự tháo gỡ”, như Bí thư tỉnh ủy An Huy là Trương Khải Phong ra lệnh giải tán toàn bộ hơn 4.000 nhà ăn tập thể ở huyện Vô Vi, bị Mao Trạch Đông phê bình là đã: “đứng trên lập trường giai cấp tư sản, mưu toan phá hoại nền chuyên chính vô sản, chia rẽ đảng Cộng sản”. Ông chỉ thị phải tiếp tục duy trì thiết chế “công xã nhân dân” với “bếp ăn tập thể”, đẩy An Huy trở thành tỉnh có tỷ lệ người chết đói cao nhất nước (chiếm 18,37% - tiếp đến là Tứ Xuyên 13,07%, Quý Châu 10,23%, Hồ Nam 6,81%, Cam Túc 6,45%, Hà Nam 6,12%, Hà Bắc 11%, Giang Tây 1,06%, Thiểm Tây 1,02%, Cát Lâm 0,94%, Chiết Giang 0,55%, Sơn Tây 0,37%...).
Tài liệu Tân Tử Lăng:
Từ mùa hè 1958, do sức ép từ trên xuống, các nơi đều phải khai tăng sản lượng lương thực lên gấp bội: “Dựa vào con số lương thực tự báo đó, trên lại giao mức lương thực phải bán cho nhà nước. Cán bộ cơ sở và nông dân đứng trước một thực tế gay gắt: nếu bán lương thực theo chỉ tiêu, thì không còn cái ăn và cũng hết sạch cả hạt giống”. Vì thế nông dân tìm mọi cách cất giấu lúa gạo khắp nơi: “Chôn dưới hầm, dưới gốc cây, chân tường, vùi trong thức ăn gia súc, thậm chí chia thành gói nhỏ, cài trong tổ chim trên cây cao, hoặc đặt dưới hố nước tiểu”. Để truy bức, các đội công tác đặc biệt được phái xuống nông thôn phát động mọi người tố giác lẫn nhau. Không khí nghi kỵ, rình rập, tố cáo bao trùm lên đời sống của 500 triệu nông dân. Kể cả các đội trưởng sản xuất bị quy tội che chở hoặc đứng về phía nông dân trong cuộc cất giấu lương thực ấy cũng phải chịu bắt bớ, tra khảo, vùi dập tàn nhẫn.
Dư luận thế giới chú ý đến tuyên bố của Mao Trạch Đông ngày 3.9.1958 về “bước nhảy vọt” thần kỳ: “Sản lượng lương thực năm nay có thể tăng xấp xỉ gấp hai lần năm ngoái: từ 185 triệu tấn lên khoảng 370 triệu tấn - nếu năm 1959 tới lại tăng gấp hai lần năm nay, thì sẽ lên 750 triệu tấn”. Song lãnh đạo các tỉnh báo cáo không đủ lương thực để nộp theo dự tính, làm Mao Trạch Đông sốt ruột “bởi đây là việc thật bẽ mặt” với quốc tế. Ông tự mình viết thông tri gởi khắp nơi nhấn mạnh“vấn đề phổ biến trong cả nước là các công xã, đội trưởng sản xuất che giấu sản lượng, chia nhau lương thực, tình hình nghiêm trọng phải giải quyết ngay” và cần thiết “phải tiến hành một đợt kiên quyết mới giải quyết được”. Kiên quyết như thế nào Mao Trạch Đông không chỉ rõ, cứ để lửng lơ “cho cấp dưới đầy đủ không gian tha hồ tưởng tượng, phát huy”. Tân Tử Lăng nhận định: “thủ đoạn “giáo dục kiên quyết” moi cả khẩu phần lương thực của nông dân là nguyên nhân chủ yếu gây chết đói trên quy mô lớn” và nêu ra trường hợp điển hình sau:
“Tỉnh Hà Nam vụ thu 1958 có tới 50% mùa màng bị hư hỏng ngoài đồng. Năm 1959 sản lượng lương thực giảm, chỉ có 9,75 triệu tấn, nhưng các nơi báo lên không thực: tới 22,5 triệu tấn!. Bí thư tỉnh ủy Ngô Chi Phí lấy đó làm cơ sở giao chỉ tiêu cưỡng bức thu mua lương thực, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ bị coi là “Bành Đức Hoài con”. Chuyên khu Tín Dương thực sản chỉ có 2 triệu tấn, Bí thư Khu ủy Lộ Hiến Văn vống lên 4,15 triệu tấn, tỉnh giao chi tiết thu mua 48 vạn tấn đã là quá cao, Khu ủy xung phong nhận 52 vạn tấn. Khẩu phần lương thực, hạt giống và thức ăn gia súc của nông dân bị cướp đi rất nhiều, bình quân đầu người chỉ còn hơn 50kg, đủ ăn trong 4 tháng, một số huyện thậm chí không đủ 3 tháng. (…) Để quán triệt tinh thần “kiên quyết giáo dục” của Mao Trạch Đông, Khu ủy đã tổ chức cuộc họp 6.000 người ở huyện Hoàng Xuyên, lôi hơn 60 người ra đấu tố, lại lôi thêm 4 người từ nhà tù ra xét xử công khai. Những nông dân đến dự đều gầy gò, vàng vọt, khoảng 40% mắc bệnh phù thũng, một người chết đói tại chỗ, 19 người chết trên đường về nhà. (…) Mùa xuân 1960, có làng 80 ngày người dân không được một hạt lương thực vào bụng.  Nhiều người bỏ đi nơi khác kiếm ăn. Vậy mà Bí thư Khu ủy Lộ Hiến Văn vẫn lên giọng: “Không phải thiếu lương thực, mà lương thực rất nhiều, 90% là vấn đề… tư tưởng” (!). Ông ta chỉ thị cho cán bộ cơ sở và dân quân phong tỏa mọi nẻo đường, không cho dân chúng bỏ đi nơi khác”.Điểm lại quá khứ đó, “đại hội 7.000 người” không đồng ý với nội dung dự thảo làm Mao Trạch Đông trực nhận một điều không vui đối với mình: “đại đa số cốt cán không còn ủng hộ ông ta”như trước kia nữa. Mao Trạch Đông phải giao một ủy ban 21 người trong đó có Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và Bành Chân chỉnh sửa lại báo cáo.
Sau 4 ngày soạn thảo, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đều nhận trách nhiệm về mình để làm nhẹ bớt sai lầm của Mao Trạch Đông. Còn Bành Chân (một trong “bát đại nguyên lão” của Đảng Cộng sản Trung Quốc - từng làm Thị trưởng thành phố Bắc Kinh) phát biểu một câu làm Mao Trạch Đông sững người, để bụng: “Uy tín của Mao chủ tịch nếu không cao như ngọn Chomolungma của dãy Hy Mã Lạp Sơn thì cũng cao tựa Thái Sơn, nên dù có “bớt đi vài tấn đất” vẫn cao như thế. Cũng chẳng phải Mao Chủ tịch không có khuyết điểm gì. Nếu một phần trăm, một phần nghìn sai lầm của Chủ tịch mà không được kiểm điểm, thì sẽ để lại ảnh hưởng xấu trong Đảng ta”. Về sau Bành Chân bị thất sủng… (còn nữa)

 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

(Trung Quốc) - Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (Kỳ 9)

(TNBĐ) - Lần đầu tiên dưới “triều đại” Mao Trạch Đông, hơn 7.000 đại biểu cả nước đã về dự một đại hội hiếm có vì được phép bàn tới những sai lầm của Chủ tịch đảng Mao Trạch Đông - để rồi sau đó không ít người trong số họ phải đứng trước họng súng tra hỏi bởi phái tạo phản của Giang Thanh…



Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 9: Đại hội của 7.000 người lãng mạn chính trị


Lần đầu tiên dưới “triều đại” Mao Trạch Đông, hơn 7.000 đại biểu cả nước đã về dự một đại hội hiếm có vì được phép bàn tới những sai lầm của Chủ tịch đảng Mao Trạch Đông - để rồi sau đó không ít người trong số họ phải đứng trước họng súng tra hỏi bởi phái tạo phản của Giang Thanh…
Cuốn “Ảnh hưởng Trung Quốc sử 100 danh nhân” do Vương Huệ Mẫn chủ biên, Nhân dân xuất bản xã ấn hành, Bắc Kinh 1999 (Nguyễn Thanh Hà, Trần Trọng Vân, Nguyễn Giang Linh dịch, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2003) phần viết về Mao Trạch Đông, kết luận: “Những năm tháng cuối đời, Mao Trạch Đông phạm phải một loạt các sai lầm tả khuynh, đặc biệt là cuộc Đại cách mạng văn hóa năm 1966 - 1976 gây nên 10 năm nội loạn tang thương”.
“Nội loạn” thế nào?
Nhật ký của nguyên soái Lâm Bưu (thay Bành Đức Hoài làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thay Lưu Thiếu Kỳ đứng ở vị trí số 2 sau Mao Trạch Đông - với chức danh: Phó chủ tịch đảng duy nhất và mệnh danh: Phó Thống soái), chép: “Giang Thanh thực hiện cuộc đấu tranh đoạt quyền ở Thượng Hải” đầu năm 1967 theo ủy quyền của Mao Trạch Đông và tiếp đó lần lượt“cướp quyền” trên phạm vi toàn quốc tại:  Sơn Tây (14.1), Quý Châu (25.1), Sơn Đông (27.1), Bắc Kinh (28.1), Hắc Long Giang (31.1): “nã pháo, đánh đập, cướp bóc, bắt người, đấu đá, gieo hận thù khắp  nơi”.
Theo tài liệu Tân Tử Lăng: “bộ máy đảng và chính quyền các cấp bị Hồng vệ binh đánh cho tơi tả (…) Những ai tham gia ban lãnh đạo (của phái tạo phản Giang Thanh) đều có xe hơi riêng, thư ký riêng, thật hấp dẫn, nên nhiều kẻ có dã tâm điên cuồng lao vào cuộc đấu tranh đoạt quyền, thế là diễn ra nội chiến toàn diện - bắt đầu là gậy gộc cuốc xẻng, rồi phái tạo phản cướp vũ khí của quân đội (hoặc quân đội cung cấp vũ khí cho phái tạo phản mà mình ủng hộ) có từ súng trường tự động đến súng máy, lựu đạn, thậm chí pháo lớn. Ở thành phố Thành Đô có cả xe tăng. Chỉ qua 20 tháng, xã hội đại loạn, đấu tranh cướp quyền và chống cướp quyền nổ lớn. Ở 29 tỉnh và thành phố trong cả nước đã thành lập chính quyền mới mang tên “Ủy ban cách mạng”. Các bí thư tỉnh ủy và tỉnh trưởng hầu hết bị đánh đổ (…) Vì sao Mao Trạch Đông tự hủy hoại giang sơn của mình như vậy? Phải chăng Mao Trạch Đông phát điên rồi?”. Tân Tử Lăng khẳng định: “Không, Mao không điên, mục tiêu của ông ta là nhằm trừng trị những ai tham gia Đại hội 7.000 người” từng gây bất lợi cho ông. 
Vậy “Đại hội 7.000 người” qui tụ những ai?
Gồm đại biểu tỉnh ủy, thành ủy, khu ủy, huyện ủy, lãnh đạo các nhà máy, hầm mỏ quan trọng và cán bộ cốt cán trong quân đội (khai mạc 11.11.1962). Họ đều là những người từng trải trong trận mạc và đấu tranh ngoại giao. Song đứng trước Mao Trạch Đông thời điểm ấy, họ là những nhà “lãng mạn chính trị”, vì dám đề cập đến thảm cảnh đất nước dẫn đến cái chết của hơn 37 triệu rưỡi người sau 3 năm thực hiện “bước tiến nhảy vọt” do Mao Trạch Đông phát động (1958-1961) - với hai “dấu nhấn” về: 1. Phá sản kế hoạch “tăng nhanh sản lượng thép” . 2. “Công xã nhân dân” bị tàn lụi cùng “nhà ăn tập thể”. 
Nói “nhà ăn tập thể” trước:
Mao Trạch Đông chỉ thị “cả nước thực hiện một số lý tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng” bằng cách xây dựng “công xã nhân dân” vào năm 1958 theo điều lệ vắn tắt, quy định:“các hợp tác xã hợp nhất thành “công xã” phải nộp toàn bộ tài sản công hữu. Xã viên phải nộp lại “đất phần trăm” và toàn bộ tư liệu sản xuất của xã viên thuộc sở hữu của công xã, song có thể giữ lại một ít gia súc, gia cầm. Căn cứ vào nhu cầu, công xã có thể dỡ dần nhà riêng của xã viên để lấy vật liệu sử dụng, nhà mới dựng thuộc sở hữu của công xã, xã viên muốn ở phải trả tiền thuê. Phần quan trọng của điều lệ này là: nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất, nhà cửa, gia súc, cây  cối…”.
Thay vào đó họ chỉ hưởng một điều rất phù du là “già trẻ, nam nữ, gái trai đến ăn tại bếp tập thể không phải trả tiền” (cùng với lệnh cấm không được đỏ lửa nấu ăn tại nhà riêng!). Đó thật là điều “không tưởng” quá lớn. 
Vì thực tế cho thấy, lúc đầu nhà ăn tập thể nhộn nhịp và thu hút mọi người với các khẩu hiệu nghe rất kêu như: “ăn thật no” và “không phải trả tiền”. Thậm chí nhiều nhà ăn tập thể viết rõ lớn: “ăn no, ăn ngon, ăn sạch”, hoặc “mỗi bữa 4 món thức ăn”. Có nơi tuyên bố: “phấn đấu một tháng 90 bữa ăn, không bữa nào có món ăn trùng lặp, ngang tiêu chuẩn bếp ăn của vua chúa Trung Quốc”. Có nơi coi nhà ăn tập thể là “khởi điểm để tiến lên chủ nghĩa Cộng sản trong vòng 3 năm”! Hơn 3.910.000 nhà ăn tập thể với khoảng 400 triệu người tham gia hoạt động, chiếm 72,6% nhân khẩu trong các “công xã” cuối năm 1959. 
Nhưng chẳng mấy chốc - thực tế nghiệt ngã đã ập xuống, như Tân Tử Lăng viết tiếp: “lương thực thực phẩm cạn dần, từ thả sức ăn ngày 3 bữa cơm, chuyển sang ăn cháo, rồi cháo loãng, đến rau dại. Dẫu vậy lãnh đạo địa phương không dám giải tán nhà ăn tập thể” vì sợ làm sai chỉ thị Mao Trạch Đông.  
Dầu phải ăn cháo loãng nhưng nông dân không thể rời nhà ăn tập thể vì “toàn bộ khẩu phần lương thực của họ do nhà ăn quản lý hết rồi”. Theo thói quen sẵn có, tới bữa, họ vẫn phải đến sắp hàng để chờ đợi một “phép lạ”, song nạn đói ngày càng tràn tới gần, như ở huyện Tỉnh Nguyên (Tứ Xuyên), bình quân “mỗi người một ngày được phân phối không đến 100 gam lương thực, cứ 8 người có một người chết đói”  (còn nữa)

 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

(Trung Quốc )- Mao Trạch Đông, ngàn năm công và tội (Chương 27+28)

(TNBĐ) - Đào Chú sinh năm 1908 được coi là bậc cách mạng lão thành ở Trung Quốc. Mao Trạch Đông từng nói Đào như con trâu có cặp sừng mạnh, dám chọi lại bất cứ ai. Năm 1953, Đào từng phê bình Lưu Thiếu Kỳ mắc sai lầm “tả” khuynh trong Cải cách ruộng đất.


Mao Trạch Đông, ngàn năm công và tội (Chương 27+28)

          Chương 27: Mao Trạch Đông chơi trò chính trị lưu manh

Việc Mao Trạch Đông bức hại Bành Đức Hoài và Hạ Long, hai vị nguyên soái từng lập công rất lớn trong chiến tranh giải phóng, là bạn chiến đấu trung thành của Mao. Khi đã quyết tâm mượn tay Hồng vệ binh đẩy hai người vào chỗ chết thảm khốc, Mao vẫn giả dối tỏ ra quan tâm và tin cậy họ.
 Chương 28: Nhân vật số 4 đại bại dưới chân Giang Thanh
Đào Chú sinh năm 1908 được coi là bậc cách mạng lão thành ở Trung Quốc. Mao Trạch Đông từng nói Đào như con trâu có cặp sừng mạnh, dám chọi lại bất cứ ai. Năm 1953, Đào từng phê bình Lưu Thiếu Kỳ mắc sai lầm “tả” khuynh trong Cải cách ruộng đất. Đại cách mạng văn hoá bùng nổ, đang là Bí thư thử nhất Cục Trung Nam kiêm Chính uỷ thứ nhất Đại quân khu Quảng Châu, Đào được Mao điều lên Trung ương, đề bạt vượt cấp vào vị trí thứ 4 trong Đảng, giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Phó thủ tướng, Trưởng ban Tuyên truyền, Cố vấn Tổ Cách mạng văn hoá. Rõ ràng Mao muốn ông ta xông pha trận mạc, đóng vai trò lớn trong cuộc đấu tranh lật đổ Bộ tư lệnh của Lưu Thiếu Kỳ.
Nhưng Đào Chú quả thật lạc hậu với tình hình chính trị trong nước. Ông chỉ coi Tổ Cách mạng văn hoá là một tổ chức lâm thời lệ thuộc Bộ Chính trị. Ông rất phản cảm với Giang Thanh, coi chức Tổ phó của mụ thấp hơn một Thứ trưởng, nên đã đề nghị Chu Ân Lai bổ nhiệm Giang làm Thứ trưởng Bộ Văn hoá “để có danh nghĩa liên hệ công tác”. Ông say sưa với việc khôi phục hoạt động của Ban Bí thư, mà không biết rằng Mao đã tính chuyện để Tổ cách mạng văn hoá thay thế chức năng Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Một lần Giang Thanh ép Đào Chú đến Viện Khoa học xã hội tuyên bố Chủ biên tạp chí “Nghiên cứu triết học” Ngô Truyền Khởi là phái “tả”. Đào Chú không đi, Giang đập tay vào thành ghế xalông, trợn mắt lớn tiếng: “Ông phải đến đó ủng hộ Ngô Truyền Khởi, không đi không được!” Một tiếng “chát” dữ dội, Đào Chú đập tay xuống mặt bàn, mấy cốc trà nảy cả lên: “Tôi không đi! Đây là tổ chức của Đảng cộng sản. Bà can thiệp quá nhiều rồi!” Đào Chú muốn nói Đảng có hệ thống tổ chức, bà không phải uỷ viên Trung ương, có tư cách gì chỉ huy uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị?
Câu nói trên không sai, lý ra là như thế. Nhưng trong Đại cách mạng văn hoá, Đảng cộng sản Trung Quốc trên thực tế đã trở thành giang sơn riêng của vợ chồng Mao-Giang rồi, Giang ra lệnh với thân phận Hoàng hậu, đại bất kính với Hoàng hậu là đại bất kính với Hoàng đế, làm sao Mao Trạch Đông có thể bỏ qua?
Giang Thanh sững người không nói nên lời. Từ khi nhậm chức Tổ phó Tổ Cách mạng văn hoá đến nay chưa ai dám đương đầu với bà ta như vậy. Được Mao ngầm cho phép, Giang quyết tâm lật Đào. Ngày 28-11-1966, tại lễ duyệt đại quân văn nghệ, Giang Thanh nói: “Mao Chủ tịch và các chiến hữu của người Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Trần Bá Đạt, Khang Sinh… đều khẳng định thành tích của chúng ta”. Trong câu trên, Đào Chú ở vị trí thứ 4 (sau Chu Ân Lai) không được nhắc đến, có nghĩa là Đào không còn là “bạn chiến đấu thân thiết” của Mao, có thể “nã pháo” vào ông ta được rồi.
Đúng vào lúc đó, Đào Chú gửi báo cáo lên Mao Trạch Đông, kiến nghị cho Vương Nhiệm Trọng thôi chức Tổ phó Tổ cách mạng văn hoá, trở lại Cục Trung Nam, trước mắt chủ yếu lâ chữa bệnh. Bất ngờ, Mao yêu cầu họp liên tịch giữa Bộ Chính trị và Tổ Cách mạng văn hoá đề gộp ý kiến với Vương.
Cuộc họp diễn ra vào 28-12 dưới sự điều khiển của Chu Ân Lai, ngoài các uỷ viên Bộ Chính trị, toàn thể thành viên Tổ Cách mạng văn hoá có mặt, nghĩa là thân phận của họ ngang với các uỷ viên Bộ Chính trị. Họ hăng hái phát biểu, Vương Lực, Quan Phong. Thích Bản Vũ ra đòn trước, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên đóng vai trung phong. Giang Thanh, Trần Bá Đạt, Khang Sinh phát biểu tổng kết. Trước tiên họ phê phán Vương Nhiệm Trọng, rồi gió đổi chiều chĩa sang Đào Chú, phê phán ông đàn áp quần chúng, bảo vệ phái đi con đường tư bản, là phái bảo hoàng lớn nhất ở Trung Quốc, đại diện cho đường lối phản cách mạng Lưu-Đặng. Chỉ có 2 uỷ viên Bộ Chính trị phát biểu: Lý Tiên Niệm nói phương thức và phương pháp công tác của Đào Chú “không theo kịp tình hình”; Lý Phú Xuân nói “Tôi thấy để lão Đào cũng về Trung Nam cho yên chuyện”.
Hôm sau. Mao triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, khen Đào Chú “làm việc tích cực, có trách nhiệm”, rồi chuyển sang phê bình Giang Thanh quá phóng túng, chưa qua Trung ương chính thức thảo luận mà nói một uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị mắc sai lầm về phương hướng, đường lối, rồi tuỳ tiện phê phán trong cuộc họp là vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng”. Ngay sau đó, Mao gặp riêng Đào Chú, bảo Đào đi xem xét tình hình các tỉnh với tư cách uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị. Mao còn trao một danh sách 20 Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ, yêu cầu Đào bảo vệ khiến ông rất xúc động. Ông mang danh sách trên gặp Chu. Sau khi trực tiếp thỉnh thị Mao, trong cuộc họp buổi chiều hôm đó, Chu chính thức truyền đạt chỉ thị của Mao, và tuyên bố Đào Chú sẽ lên đường sau tết dương lịch. Nhưng ông không đi nổi nữa.
Ngày 30-12, “Đoàn tạo phản” Hồ Bắc lên Bắc Kinh, ra thông lệnh đòi Đào Chú nộp Vương Nhiệm Trọng. Vừa nhận chỉ thị của Mao bảo vệ một số cán bộ trong đó có Vương, Đào Chú như đã nắm được thượng phương bảo kiếm trong tay, bình tâm tiếp đoàn tạo phản trên tại Nhà Quốc hội. Vừa gặp, đám tạo phản đã như ong vỡ tổ. Chúng đến đây theo mật chỉ của Giang Thanh, cố ý gây chuyện nhằm lật đổ Đào Chú. Chúng hô khẩu hiệu, kết tội, chất vấn, nhục mạ Đào Chú 6 giờ liền.
Chiều 4-1-1967 khi tiếp “Đoàn tạo phản” Hồ Bắc, Trần Bá Đạt phê phán Đào Chú từ khi lên Trung ương không chấp hành đường lối của Mao, mà thực hiện đường lối Lưu-Đặng.
Giang Thanh nói Đào là đại diện mới của Lưu-Đặng. Ngay tối hôm đó, cửa tây Trung Nam Hải vang lên khẩu hiệu “Đánh đổ Đào Chú!” Loa phóng thanh trên ô tô liên tục phát lại phát biểu của Trần Bá Đạt lúc chiều. Ngày 8-1, Mao chỉ định Vương Lực làm Tổ trưởng Tuyên truyền Trung ương (tương đương Trưởng ban Tuyên truyền). Mao thừa nhận Đào Chú đã bị đánh đổ. Thật ra trong cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng 10 ngày trước đó, Mao đã muốn phế truất Đào, nhưng thấy tình hình chưa thuận, liền quay sang diễn màn kịch bảo vệ ông, phê phán Giang Thanh, rồi nhắm trúng nhược điểm của Đào, khuyến khích Đào mạnh dạn đứng ra bảo vệ cán bộ cũ. Quả nhiên Đào Chú mắc mưu, đối chọi với Hồng vệ binh.
Từ 8-1, cơ quan hữu quan không gửi tài liệu cho Đào nữa, một tháng sau, điện thoại đỏ (dành cho lãnh đạo cấp cao) bị dỡ đi. Nơi ở của ông tăng thêm 4 lính gác. Đắc tội Giang Thanh, nhân vật số 4 trong Đảng bỗng chốc thành người tù. Tháng 3-1968, theo lệnh Giang Thanh, lực lượng canh gác Đào tăng lên 2 tiều đội, trong nhà có 3 vọng gác, một cửa trước, một cửa sau, một người luôn theo sát bên cạnh 24/24 giờ, lúc ngủ cũng có lính gác đứng cạnh giường. Tháng 8-1968, Đại hội phê phán Lưu-Đặng-Đào qui mô một triệu người được tổ chức trên quảng trường Thiên An Môn, chia làm ba khu vực, phê phán ba cặp vợ chồng Lưu, Đặng, Đào. Do phản kháng dữ dội, Đào Chú bị đánh thương tích đầy người. Tháng 8-1968 phát hiện Đào bị ung thư tuyến tuỵ, nhờ Chu Ân Lai can thiệp được phẫu thuật cắt tá tràng, 18-10-1969, Đào Chú bị đưa đi lưu đày ở An Huy, 43 ngày sau ông qua đời.
Việc Đào Chú bị đánh đổ với tội danh “phái bảo hoàng lớn nhất” đã chỉ ra phương hướng hành động cho các tổ chức tạo phản, không ai dám đứng ra bảo vệ các đảng uỷ nữa. Các bí thư tỉnh uỷ, tỉnh trưởng bị cô lập hoàn toàn. Bộ máy đảng và chính quyền các cấp bị Hồng vệ binh đánh cho tơi tả. Đầu tháng 1-1967, các phái tạo phản liên minh cướp quyền ở Thượng Hải. Ngày 14-1 cướp quyền ở Sơn Tây, rồi Quý Châu 25-1, Sơn Đông 27-1, Bắc Kinh 28-1, Hắc Long Giang 31-1… Tham gia ban lãnh đạo là có xe riêng, thư ký riêng, thật hấp dẫn, nên nhiều kẻ có dã tâm điên cuồng lao vâo các cuộc đấu tranh đoạt quyền, thế là diễn ra nội chiến toàn diện; bắt đầu là gậy gộc cuốc xẻng, rồi phái tạo phản cướp vũ khí của quân đội hoặc quân đội cung cấp vũ khí cho phái tạo phản mà mình ủng hộ, từ súng trường tự động đến súng máy, lựu đạn, thậm chí pháo lớn, ở Thành Đô sử dụng cả xe tăng. Qua 20 tháng xã hội đại loạn, đấu tranh cướp quyền và chống cướp quyền, 29 tỉnh và thành phố trực thuộc trong cả nước đã thành lập chính quyền mới mang tên Uỷ ban cách mạng. Các bí thư đánh uỷ và tỉnh trưởng hầu hết bị đánh đổ, đứng đầu chính quyền mà phần lớn là chỉ huy quân đội đóng tại địa phương, một số người cầm đầu các phái tạo phản tham gia chính quyền các cấp.
Vì sao tự huỷ hoại giang sơn như vậy? Phải chăng Mao Trạch Đông phát điên rồi? Không, Mao không điên, mục tiêu của ông ta là trị những người tham gia Đại hội 7.000 người và đồng liêu các cấp của họ, ghép cho họ tội danh “đi con đường tư bản chủ nghĩa”, đánh đồ hàng loạt. Mao cần trút lên đầu họ món nợ lịch sử làm chết đói 37,55 triệu người và gây thiệt hại 120 tỉ NDT, vì họ “xuyên tạc ba ngọn cờ hồng, làm hỏng mọi việc” Rồi Mao trực tiếp lãnh đạo phái tạo phản đánh đổ “phái đi con đường tư bản” các cấp, cứu nhân dân khỏi bể khổ “phục hồi chủ nghĩa tư bản”, thế là Mao trở nên sáng suốt hơn, vĩ đại hơn, một lần nữa làm “đại cứu tinh” của nhân dân. Đó là bối cảnh chính trị Mao phát động cướp quyền từ trên xuống dưới.
Trong nhật ký ngày 9-1-1967, Lâm Bưu viết:
“Cuộc đấu tranh đoạt quyền ở Thượng Hải do B-52 (Mao Trạch Đông) uỷ quyền Rắn mắt kính (Trương Xuân Kiều) và Bà Nàng (Giang Thanh) thực hiện… Cướp quyền của ai? Bà Nàng thay B-52 nã pháo, đánh đập, cướp bóc, bắt người, đấu đá, gieo hận thù khắp nơi”.

 


 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

(NLLS)- 60 năm ký kết Hiệp định Genève (Kỳ 1)

(TNBĐ) -Nhân kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định Genève, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan nhìn lại và phân tích về sự kiện này.



60 năm ký kết Hiệp định Genève
 Kỳ 1: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
Nhân kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định Genève, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan nhìn lại và phân tích về sự kiện này.
Như bất kỳ sự kiện lịch sử nào, Hiệp định Genève (ký kết ngày 20-7-1954) cũng có nét đậm, nét nhạt. Thời gian càng lùi xa thì những nét ấy càng nổi rõ hơn nhờ những tư liệu mới được công bố, nhờ những cách nhìn sáng rõ hơn và nhất là được cuộc sống kiểm nghiệm.
Có một thực tế là bên cạnh sự đồng thuận về những kết quả nhãn tiền của hội nghị, suốt 60 năm qua vẫn dai dẳng một số suy tư, thắc mắc. Ta hãy thử nhìn lại xem đó là những điều gì?
Vai trò của Trung Quốc
Lúc đầu Hội nghị Genève do các nước lớn là Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ triệu tập để bàn về các vấn đề châu Âu là chính.
Vào đầu những năm 1950, cuộc “chiến tranh lạnh” ở vào đỉnh điểm với cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng, nhất là về vũ khí hạt nhân. Hai nhà nước Đức: Cộng hòa dân chủ ở phía đông, Cộng hòa liên bang ở phía tây ra đời; các nước phương Tây lập ra khối NATO, các nước xã hội chủ nghĩa lập ra khối Vacxava...
Nói một cách khác, hình hài cục diện “hai phe, hai cực” đã lộ rõ và an bài. Cũng vào lúc này đã diễn ra hai cuộc “chiến tranh nóng” là chiến tranh Triều Tiên (1951-1953) và chiến tranh Đông Dương (từ năm 1946) phần nào phản ánh sự đối đầu giữa hai phe.
Vào nửa đầu những năm 1950, ở cả hai phe đều diễn ra một số thay đổi quan trọng.
Ở Liên Xô, nhà lãnh đạo tối cao Stalin từ trần vào năm 1953, tình hình chính trị và kinh tế khó khăn, ban lãnh đạo mới chủ trương hòa hoãn với phương Tây, đề ra chính sách đối ngoại “chung sống hòa bình, thi đua hòa bình và quá độ hòa bình” (tức là các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa chung sống hòa bình với nhau, hai bên thi đua hòa bình để phát triển, sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội thực hiện bằng con đường hòa bình).
Pháp chịu thất bại ngày càng nghiêm trọng trong cuộc chiến Đông Dương đưa tới khủng hoảng nội bộ hết sức sâu sắc, đòi hỏi phải tìm ra lối thoát. Nước Anh suy yếu nhiều, lại phải đối mặt với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa của Anh nên cũng có yêu cầu hòa hoãn ở châu Âu.
Riêng Mỹ muốn thao túng Tây Âu, duy trì đối đầu căng thẳng với Liên Xô nhưng cũng không thể đứng ngoài những thu xếp giữa Liên Xô và Tây Âu.
Trong bối cảnh đó, Liên Xô và Tây Âu, sau đó cả Mỹ thỏa thuận triệu tập Hội nghị Berlin (từ ngày 25-1-1954 đến 18-2-1954) để giải quyết các vấn đề ở châu Âu, chủ yếu là vấn đề Đức. Tham gia Hội nghị Berlin có ngoại trưởng Mỹ, ngoại trưởng Anh, ngoại trưởng Pháp và ngoại trưởng Liên Xô.
Tuy nhiên, do lập trường quá khác nhau nên họ không đi đến thỏa thuận nào, bèn quay sang bàn hai vấn đề ở “ngoại vi” là vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Sau khi kết thúc Hội nghị Berlin không đạt được kết quả, Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ đã lên kế hoạch tổ chức tiếp Hội nghị Genève.
Và vai trò của Trung Quốc xuất hiện ở đây. Với lập luận không thể thảo luận các vấn đề Viễn Đông nếu không có Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Liên Xô yêu cầu mời Trung Quốc tham dự. Các nước phương Tây cần Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Riêng Anh có vấn đề Hong Kong và cần thị trường Trung Quốc. Pháp cần vai trò Trung Quốc trong một giải pháp cho vấn đề Đông Dương. Mỹ miễn cưỡng phải chấp nhận để Trung Quốc tham gia hội nghị nhưng “không bắt tay” với Trung Quốc theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen (trưởng đoàn Mỹ John Foster Dulles không bắt tay trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai).
Được chính thức tham dự một hội nghị quốc tế như vậy quả là một món quà vô giá đối với Trung Quốc lúc đó còn bị cô lập về chính trị, chưa lấy lại được vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên Trung Quốc chủ trương tích cực tham gia nhằm “tạo thuận lợi cho việc mở ra con đường hiệp thương giữa các nước lớn để giải quyết các tranh chấp quốc tế” như đề án tham dự Hội nghị Genève của ban lãnh đạo Trung Quốc đã xác định.
Nói nôm na thì Trung Quốc tham dự hội nghị để xác lập vai trò nước lớn của mình trong việc giải quyết các công việc quốc tế, thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước phương Tây.
Nhân đây cần phải nói rằng qua các tư liệu có được có thể thấy lúc ấy Liên Xô kiên định ủng hộ ta nhưng chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề châu Âu, có phần thụ động và “khoán” các vấn đề Viễn Đông cho Trung Quốc.
Như vậy Hội nghị Genève về Đông Dương xuất phát từ nhu cầu của các nước lớn. Vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia đã được sử dụng để phục vụ những lợi ích và sự dàn xếp của họ.
Việt Nam bị chia làm 2 miền
Căn cứ vào các văn kiện chính thức và phát biểu của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta thời kỳ đó, có thể thấy ta cũng chủ trương mở ra mặt trận ngoại giao bên cạnh mặt trận quân sự và tiến hành cải cách ruộng đất.
Bài trả lời phỏng vấn ngày 26-11-1953 của Hồ Chủ tịch cho tờ báo Expressen của Thụy Điển đã gây tiếng vang lớn, trong đó Người nói rõ: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”.
Sự điều chỉnh sách lược ấy bắt nguồn từ chỗ phân tích tương quan lực lượng trên chiến trường và tình hình quốc tế, trong đó nội bộ nước Pháp chính quyền khủng hoảng sâu sắc, phong trào phản chiến dâng cao, Mỹ lăm le trực tiếp tham chiến ở Đông Dương, Liên Xô và Trung Quốc là hai nước chủ yếu cung cấp viện trợ cho ta muốn “làm tình hình thế giới bớt căng thẳng, đó là lo lắng chính của phe ta hiện nay...” như Tổng bí thư Trường Chinh lúc bấy giờ đánh giá.
Chủ trương đi vào thương lượng, ta kiên trì lập trường “bốn điểm như những cái khâu của một sợi dây chuyền ngoắc vào nhau, không thể tách rời nhau” như Tổng bí thư Trường Chinh nhấn mạnh.
Đó là: “Độc lập là độc lập thật sự và hoàn toàn của dân tộc”, “Thống nhất là thống nhất quốc gia, toàn bộ lãnh thổ nước ta là của ta (Miên, Lào cũng vậy vì Miên - Lào cũng thống nhất trong độc lập và hòa bình)”, “Chế độ dân chủ cộng hòa có tính chất dân chủ, không thể xâm phạm được” và “Hòa bình là hòa bình chân chính”.
Vì sao đất nước bị chia cắt do kết quả của Hội nghị Genève? Có lẽ đây là câu hỏi day dứt nhất khi nói tới sự kiện lịch sử này.
Điều đó cũng dễ hiểu vì tình trạng đất nước bị chia cắt đã gây ra biết bao đau thương, mất mát cho dân tộc ta, chỉ 20 năm sau nước nhà mới thống nhất, giang sơn mới được thu về một mối.
Trong lịch sử, mỗi khi thỏa thuận về một cuộc đình chiến hoặc phân chia vùng ảnh hưởng người ta thường phải thỏa thuận khu vực chiếm đóng của các bên liên quan.
Thực tế ấy đã diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có việc chia cắt nước Đức, bán đảo Triều Tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Về Việt Nam lúc bấy giờ có ba phương án được xem xét: một là quân Pháp rút về những vị trí họ đóng quân trước khi nổ ra chiến tranh cuối năm 1946, hai là các bên ở đâu đóng ở đấy với một số sự điều chỉnh và ba là phân chia vùng tập kết.
Các nước lớn chọn phương án theo hình mẫu Triều Tiên, trong đó Trung Quốc đóng vai trò lớn. Bằng chứng là tháng 8-2008, Nhà xuất bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản cuốn Chu Ân Lai và Hội nghị Genève của tác giả Tiền Giang công bố rất nhiều tư liệu mới, trong đó tác giả đã trích đăng bức điện ngày 2-3-1954 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi Trung ương Đảng ta đề nghị: “Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh. Trên thực tế, giới tuyến đình chiến hôm nay có thể trở thành ranh giới chia cắt trong ngày mai... Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ bắc” (tư liệu này còn được trích dẫn trong cuốn Cuộc đời Chu Ân Lai do Nhà xuất bản Nhân Dân Trung Quốc xuất bản năm 1997).
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đàm phán, phía ta từng đưa ra các phương án về khu vực đình chiến và tập kết quân như giới tuyến tạm thời chạy theo vĩ tuyến 13 (khoảng tỉnh Phú Yên) hoặc vĩ tuyến 14 (khoảng Bình Định). Lúc đầu, Trung Quốc đưa ra vĩ tuyến 16 như trên đã nói (khoảng dưới Đà Nẵng) nhưng cuối cùng đã lấy vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) làm giới tuyến.
Qua những tư liệu trên có thể thấy ý tưởng vạch giới tuyến xuất phát từ đâu và thậm chí ngay từ đầu người ta đã quan niệm đó không phải là giới tuyến tạm thời, mà là ranh giới chia cắt!
(còn nữa)
VŨ KHOAN  (nguyên phó thủ tướng)


 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam
Loading...