TIN NÓNG HOÀNG SA-TRƯỜNG SA, BIỂN ĐÔNG (VIỆT NAM)

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

(NLLS)-Ôm nhau khóc giữa Trường Sa khi nghe tin Sài Gòn giải phóng

(TNBĐ) -Trong lúc các cánh quân của Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến thần tốc áp sát Sài Gòn, đoàn tàu không số chở 300 chiến sĩ bí mật vượt trùng khơi giải phóng quần đảo Trường Sa.


Gặp nhau trong không khí của tháng 4 lịch sử, câu chuyện giữa đại tá Phạm Duy Tam và thiếu tướng Lê Kế Lâm lập tức trở nên rôm rả. Dù đã 40 năm, những ngày tháng gian khổ nhưng rất hào hùng của tháng 4/1975 chưa bao giờ phôi phai trong ký ức của hai người lính biển lớn tuổi.
Đại tá Tam nguyên là Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, một trong những thuyền trưởng tàu không số tham gia biên đội “C75” giải phóng quần đảo Trường Sa còn thiếu tướng Lâm nguyên là Chuẩn đô đốc Hải quân.
Hành quân thần tốc trên biển Giữa khí thế tiến nhanh như vũ bão của Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ngày 9/4/1975, biên đội gồm ba tàu không số của Đoàn 125 Hải Quân, mang hiệu 673, 674, 675 nhận lệnh hành quân cấp tốc từ Hải Phòng vào Đà Nẵng với nhiệm vụ bí mật. Theo đại tá Tam, biên đội lập tức ngụy trang thành tàu cá lên đường. Trong đó ông Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trường tàu 673, Nguyễn Văn Đức thuyền trưởng tàu 674 và ông Tam thuyền trưởng tàu 675. Hơn một ngày lênh đênh trên biển, khuya 10/4/1975, ba tàu cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).
Đến nơi, ông Tam và đồng đội mới biết mình được giao nhiệm vụ giải phóng Trường Sa, đang do lực lượng của Việt Nam Cộng hoà chiếm giữ. Chiến dịch trực tiếp do đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy, mật danh "C75". Tức tốc trong đêm 10/4, các nhu yếu phẩm được bốc dỡ lên tàu. 4h sáng 11/4, ba tàu không số thẳng tiến biển Đông, mang trên mình sứ mệnh lịch sử. “Nhiệm vụ cấp trên giao là phải phân biệt được các đảo mà quân chính quyền cũ đang đồn trú vào đêm tối, tuyệt đối không đánh nhầm vào đảo mà các nước khác đang chiếm giữ. Đảm bảo bí mật, thần tốc khiến họ không kịp trở tay”, đại tá Tam nhấn mạnh. Theo tin tình báo, đầu tháng 4/1975, quân đội Việt Nam Cộng hoà trấn giữ 6 đảo tại quần đảo Trường Sa gồm Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang và đảo Trường Sa Lớn - nơi có đường băng dài 500-600 m và gần 200 lính đồn trú. Các đảo đều có bia chủ quyền. Xung quanh là những đảo do các nước khác chiếm giữ. Hai tàu chiến của làm nhiệm vụ tiếp tế, yểm trợ cho quân đồn trú. Trong khi đó, biên đội quân giải phóng gần 300 chiến sĩ tinh nhuệ, dày dạn trận mạc. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi phương tiện kỹ thuật, máy móc trang bị trên tàu gần như là con số không. Trang bị duy nhất là một chiếc la bàn từ chỉ hướng đi cùng một số dụng cụ đo đạc, tính toán thiên văn xác định phương hướng giữa biển nước mênh mông.
Nhấp ngụm trà, đại tá Tam chỉ tay qua thiếu tướng Lâm, giọng hồ hởi: “May mắn trong thời gian học tại Học viện Hải quân, chúng tôi được thầy Lâm dạy môn tính toán thiên văn trong việc đi biển. Thầy dạy theo cách 'cầm tay chỉ việc', bởi thời đó trang thiết bị dạy học rất thiếu thốn. Nhờ những bài dạy của thầy, nhiều học viên trở thành thuyền trưởng tàu không số ra Bắc vào Nam, chở vũ khí chi viện cho chiến trường".
heo vị thuyền trưởng, nhờ cách tính thiên văn, sau 3 đêm hành quân liên tục trong điều kiện sóng to gió lớn, biên đội tàu không số vượt 480 hải lý (gần 900 km) đến quần đảo Trường Sa. “Dù biết mỗi chuyến đi có thể không trở về, được đồng đội làm lễ đưa tiễn như 'truy điệu sống' nhưng từng người trên đoàn tàu không số đều cảm thấy tự hào vì tin tưởng ngày toàn thắng không xa", ông Tam xúc động. Chia sẻ thêm về nhiệm vụ bí mật, Chuẩn đô đốc Lâm cho hay, khó khăn của quân giải phóng là đặc công nước chưa từng đánh trong điều kiện biển rộng. “Nhưng không phải là không đánh được. Họ là những đặc công tinh nhuệ, từng đánh nhiều trận sinh tử”, ông Lâm nói. Những ngày hành quân trên biển, biên đội có lần đối mặt với máy bay, tàu chiến Hạm đội 7 của Mỹ đang đóng quân ở hải phận quốc tế, sẵn sàng chi viện cho chính quyền Sài Gòn trong trường hợp khẩn cấp. Các tàu không số phải đi vòng, cải trang thành tàu cá nước ngoài, khôn khéo né tránh, đảm bảo bí mật. Theo vị đại tá, thời kỳ đó, các đảo ở Trường Sa rất ít cây cối. Đảo Song Tử Tây có ít cây dừa, vài mái nhà tôn đồn trú của quân Việt Nam Cộng hoà. Chiều cao trên mặt nước biển chỉ 1,5-4,5 m rất khó phát hiện và phân biệt. Càng khó khăn hơn khi lực lượng giải phóng phải đánh trận vào lúc khuya, tận dụng yếu tố bất ngờ.

Chiến thắng chớp nhoáng
Nhớ lại lúc chuẩn bị lâm trận, thuyền trưởng tàu 675 cho hay, biên đội đã nghiên cứu kỹ đặc điểm từng đảo, trao đổi cách đánh và chọn tấn công Song Tử Tây trước. Đêm 13 rạng sáng 14/4, tàu 674 và 675 chạy ra án ngữ phía tây bắc, đề phòng đối phương từ phương Bắc xuất hiện cũng như nghi binh với hai tàu chiến của Việt Nam Cộng hoà đang neo ở đảo Nam Yết.
Tàu 673 lặng lẽ tiếp cận, dùng xuồng cao su nhỏ chở 40 lính đặc công bí mật đổ bộ lên đảo, vào vị trí chiến đấu.
h30 ngày 14/4, quân giải phóng bắn phát đạn DKZ làm hiệu lệnh tấn công chiếm đảo đợt 1, toàn đội hình đồng loạt tiến lên. Chỉ sau 30 phút, các chiến sĩ đã làm chủ hoàn toàn Song Tử Tây. Tin thắng trận được báo về sở chỉ huy ở đất liền. 5h, cờ giải phóng được kéo lên ở Song Tử Tây khiến quân Việt Nam Cộng hoà ở các đảo khác vô cùng bất ngờ nhưng không dám phản kháng. Tàu 673 và 675 neo lại đảo, củng cố lực lượng, tổ chức kế hoạch phòng thủ. Các chiến sĩ đặc công tiến hành trinh sát thu thập thông tin để tấn công đảo Sơn Ca. Vài ngày sau, biên đội được tàu 641 đến chi viện. Khuya 24 rạng sáng 25/4, tàu 641 chở đặc công nước Đoàn 126 tiếp cận đảo Sơn Ca. 2h30, các chiến sĩ bắt đầu tấn công, quân chính quyền Sài Gòn chống trả rồi rút vào công sự cố thủ. Đại tá Lâm kể: “Quân giải phóng lên tiếng kêu gọi, chúng tôi là quân giải phóng quân đội Nhân dân Việt Nam, đến giải phóng Trường Sa, đề nghị mọi người đầu hàng. Sau lời kêu gọi, 18 lính Việt Nam Cộng hoà buông súng, phất cờ trắng”.

Hai đảo quan trọng là Song Tử Tây và Sơn Ca bị đánh bại chớp nhoáng khiến lực lượng quân đồn trú của chính quyền Sài Gòn trên đảo Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang hoang mang, kéo nhau lên hai tàu chiến tháo chạy vào bờ. Hai tàu 673 và 674 chớp thời cơ, nhanh chóng đổ bộ và kéo cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Tàu 675 chở bộ binh của quân khu 5 đổ quân tăng cường trấn thủ. Đến ngày 29/4, biên độ C75 chiếm giữ được 6 đảo nổi ở quần đảo Trường Sa do hải quân Việt Nam Cộng hòa đóng quân trước đó. Lúc này trên đất liền, quân giải phóng liên tục thắng lớn, giải phóng nhiều tỉnh thành, tạo vòng vây áp sát Sài Gòn. “Trưa 30/4, khi tàu đang ở trên đảo Nam Yết chuẩn bị hành quân đi giải phóng Côn Đảo thì chúng tôi nhận tin Sài Gòn được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Niềm hạnh phúc tràn ngập tâm trí, mọi người chỉ biết ôm nhau khóc lớn”, vị thuyền trưởng 70 tuổi nhớ lại. Cũng theo đại tá Tam, ngay sau cuộc tấn công giải phóng đảo, quân lính đối phương được đưa vào đất liền giao cho Ban quân quản. Lúc trên tàu họ rất sợ, nhưng được nói chuyện và được trấn an, họ bình tĩnh hơn. "Chiến sĩ ăn uống ra sao thì những người lính của chính quyền Sài Gòn cũng được phần như vậy, không có gì khác biệt. Không biết họ còn nhớ chúng tôi không. Nếu bây giờ có cuộc hội ngộ, chắc cảm xúc khó diễn tả lắm", vị thuyền trưởng già chia sẻ



 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

(Trung Quốc)-Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (kỳ 13)

Kỳ 13: Mao Trạch Đông 3 lần thoát chết trên đường tàu

Lâm Bưu (đọc diễn văn) và Mao Trạch Đông (bìa phải) trong những ngày còn "cướp diễn đàn cứu giá"

(TNBĐ) -Trong vòng ba ngày (từ 10 - 13.9.1971), Mao Trạch Đông đã ba lần thoát khỏi hiểm họa chết người trên đoạn đường tàu từ Thượng Hải đến Bắc Kinh do “người bạn chí cốt” của ông là Phó thống soái Lâm Bưu giăng sẵn…

Thật ra Vương Duy Quốc không thể tiếp cận để “ngồi trước mặt” Mao Trạch Đông được. “Buổi ăn trưa” trên chuyên xa hôm 11.9 cũng bị bãi bỏ. Hồi ức của Uông Đông Hưng, Chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ ưu tú của Mao Trạch Đông (Trung đoàn đặc nhiệm 8341) và của Trường Giang, Chỉ huy phân đội đặc biệt luôn túc trực cạnh Mao Trạch Đông suốt chuyến hành trình, đã kể lại khi đoàn tàu chở Mao Trạch Đông đến Thượng Hải tối 10.9.1971, Mao Trạch Đông sai bí thư của mình gọi điện thoại cho Hứa Thế Hữu, Tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh, đến gặp gấp vào sáng hôm sau 11.9…
Hứa Thế Hữu đáp máy bay trực thăng từ Nam Kinh bay thẳng đến Thượng Hải, lên chuyên xa gặp Mao Trạch Đông, bàn bạc việc gì đó lâu lắm. Trường Giang kể: “Đã đến lúc ăn cơm trưaMao Chủ tịch không giữ Hứa Thế Hữu ở lại ăn cơm, còn nói: “Chú tự ăn nhé!”. Khi ra về Hứa Thế Hữu nói thêm một câu: “Xin Chủ tịch yên tâm (…) chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo rồi”.
Vậy hôm ấy không có chuyện “ăn trưa” trên chuyên xa và cũng không có chi tiết Vương Duy Quốc có thể “ngồi trước mặt” Mao Trạch Đông để thực hiện “kế hoạch 571” của Lâm Bưu được. Tân Tử Lăng giải thích: “Vương Duy Quốc nhận nhiệm vụ mưu sát Mao, y giấu súng ngắn trên xe hình như bị phát giác; nên không được tiếp cận chuyên xa”!.
Trước đó, những “sát thủ” của Lâm Bưu tại Thượng Hải đã vạch thêm một phương án khác (ngoài cách bố trí để Vương Duy Quốc bắn trực tiếp), là:
“Trong trường hợp chuyên xa dừng ở sân ga chuyên vận Ngô Gia gần sân bay Hồng Kiều (Thượng Hải), sẽ đặt bom làm nổ tung kho xăng dầu nằm cách đó hơn 100 mét, lợi dụng lúc khói lửa bốc lên mù mịt sẽ nhào đến tấn công chuyên xa và “thanh toán” gọn Mao Trạch Đông”.
Đúng là chuyên xa đã dừng lại sân ga Ngô Gia. Song “đội hành động 571” của Lâm Bưu không dễ ra tay theo dự tính, là vì - như Trường Giang (vệ sĩ theo suốt cuộc tuần du để bảo vệ Mao Trạch Đông) ghi rõ:
“Khoảng 18 giờ cùng ngày (10.9), đoàn tàu di chuyển thuận lợi tới ga chuyên vận Ngô Gia ở gần sân bay Hồng Kiều (Cầu Vồng) của Thượng Hải (…) Uông Đông Hưng yêu cầu chúng tôi cảnh giới nghiêm ngặt chung quanh đoàn tàu, tại vị trí trọng điểm bố trí 2 vọng gác tăng cường cán bộ trực ban. Chiếu theo yêu cầu của Ưng Đông Hưng, cùng một lúc chúng tôi tăng cường 5 vọng gác, còn thành lập tổ ba người trang bị  súng tiểu liên tuần tra lưu động”.
Trong số 5 vọng gác ấy có một vọng gác đặt ngay tại kho xăng dầu cách chuyên xa không xa, nên “đội hành động 571” khó mà lọt vào để đặt bom. Tuy vậy đội “hành quyết” nghĩ rằng họ còn có thời gian để thực hiện nhiệm vụ “ám sát B.52 (tức Mao Trạch Đông)” theo lệnh Lâm Bưu và Lâm Lập Quả. Vì Mao Trạch Đông ít nhất cũng ở lại Thượng Hải vài ngày theo lệ thường đã có của ông suốt 20 năm qua. Nhưng họ đã lầm. Bởi bất ngờ, Mao Trạch Đông bỏ thông lệ, ra lệnh cho đoàn tàu tăng tốc rời khỏi Thượng Hải lúc 13 giờ 12 phút hôm ấy 11.9 (không lâu sau khi đã bàn xong “chuyện gì đấy” với Tư lệnh Hứa Thế Hữu, không mời cơm trưa và tiễn Tư lệnh xuống tàu).
Lệnh khởi hành không báo trước với bất cứ ai trong ban lãnh đạo Thượng Hải. Đó là điều bất thường. Bất thường nữa là việc Mao Trạch Đông lệnh Uông Đông Hưng và Trường Giang tăng cường “cảnh giới nghiêm ngặt” suốt thời gian tàu dừng ở đó (chỉ một đêm) và ông không hề bước xuống sân ga như các chuyến đi trước. Mao Trạch Đông đã phát giác âm mưu của Lâm Bưu?
Không. Lúc đó ông chưa biết rõ “kế hoạch tuyệt mật 571” của Lâm Bưu. Nhưng cách đó một ngày, khi còn ở Hàng Châu trên lầu số 1 của Lưu Trang (cạnh Tây Hồ), ông đã được một “nhân viên phục vụ” mật báo trực tiếp bằng miệng với mình: “Có người chuẩn bị máy bay, có người còn chỉ trích đoàn tàu chở Mao Chủ tịch dừng trên trục đường sân bay Kiển Kiều gây “trở ngại” cho “người bộ hành”, hãy nhanh chóng rời khỏi nơi đây”.
Bằng trực quan lịch lãm và kinh nghiệm cảnh giác khác thường, Mao Trạch Đông tự “giải mã” mật khẩu trên, đã tức tốc ra lệnh rời khỏi nơi đang ở, mặc dù đang giữa 12 giờ trưa, lúc nhiều người trong đoàn đang ngủ. Hoặc đang tắm, quần áo phơi chưa khô, cũng phải dùng áo đi mưa bọc lại mang theo. Tất cả yên lặng rời Lưu Trang ngay để lên tàu theo lời dặn của Mao Trạch Đông:
- “Không được báo cho Trần Lê Vân và bọn họ biết, cũng không cần họ đưa tiễn”. Trần Lê Vân là Chính ủy Quân đoàn 5 Không quân, nằm trong cuộc vận động của Lâm Bưu thành lập: “Hạm đội liên hợp” (do Lâm Lập Quả làm Tư lệnh) lúc ấy đang cùng “một số lãnh đạo của quân khu tỉnh Triết Giang cũng đang ở một tòa nhà nằm trong quần thể kiến trúc của Lưu Trang gần chỗ của Mao Trạch Đông” - theo Trần Trường Giang. Tàu rời Hàng Châu đến Thượng Hải, lại rời Thượng Hải về Bắc Kinh, gấp gáp như đã viết ở trên.
Lúc này, “bộ tư lệnh” của Lâm Bưu đang theo dõi sát sao lịch trình chuyển dịch của Mao Trạch Đông trên đường tàu và đã triển khai “kế hoạch 571” đưa lực lượng xung kích của “Hạm đội liên hợp” đến xem xét địa hình đặt chất nổ dưới chân cầu Thạc Phóng nhằm đánh sập cầu này khi chuyên xa của Mao Trạch Đông rời Thượng Hải chạy ngang qua đó… (còn nữa)

 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

(Trung Quốc)-Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (kỳ 12)

Kỳ 12 - Kế hoạch số 571: Mưu sát Mao Trạch Đông

Gia đình Lâm Bưu

(TNBĐ) - Bản kế hoạch tuyệt mật mang tên “Kỷ yếu công trình 571” soạn thảo tại căn hầm nằm dưới một tòa nhà ở Thượng Hải nhằm mưu giết Mao Trạch Đông đã không loại trừ việc sử dụng các phương tiện đặc chủng để thực hiện - kể cả dùng đến hơi độc hóa học lẫn… vũ khí vi trùng!
Lúc quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đang thời kỳ “trăng mật” - Lâm Bưu nhiều lần nâng Mao Trạch Đông lên “nóc nhà thế giới”, như nói: “Mao Chủ tịch là thiên tài vĩ đại nhất của giai cấp vô sản !” (tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng - Bắc Kinh 5.1966).
Đáp lại, Mao Trạch Đông tuyên bố: Lâm Bưu là người bạn chiến đấu thân thiết và là người sẽ kế tục Mao Trạch Đông làm Chủ tịch đảng. Điều ấy ghi cả vào Điều lệ mới của đảng ở phần “cương lĩnh chung” (tại Đại hội 9 Đảng CSTQ - tháng 4.1969).
Từ đó “người nhà” của Lâm Bưu bành trướng thế lực ngày một lớn, chiếm 19 ghế lãnh đạo hàng đầu tại 29 tỉnh thành toàn Trung Quốc, giành 54 vị trí làm trưởng hoặc phó của các Đại quân khu… Ảnh hưởng của Lâm Bưu cùng các diễn tiến phức tạp sau hậu trường chính trị với Mao Trạch Đông từ năm 1969 đến đầu 1971 dẫn đến mâu thuẫn giữa hai người tới mức khó hàn gắn. 
Phần Lâm Bưu, dầu ngoài mặt luôn luôn chứng tỏ “kiên trì quan điểm Mao Trạch Đông là thiên tài”, cũng như hô hào “tuyệt đối phục tùng Mao Chủ tịch”, nhưng bên trong âm thầm chuẩn bị đảo chánh, nhiều lần nói với vợ mình là Diệp Quần : “Bí quyết đảo chánh ở hai chữ “quyền” và “nhanh”. Các cuộc đảo chánh hiện đại có thể đoạt quyền trong một buổi sớm. Làm đảo chánh cần trả cái giá “đoạt quyền phải nhỏ nhất, nhỏ nhất, nhỏ nhất - thu hoạch phải lớn nhất, lớn nhất, lớn nhất - thời gian thực hiện phải nhanh nhất, nhanh nhất, nhanh nhất”…
Ở vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Lâm Bưu bí mật chọn những sĩ quan cao cấp, tin cẩn trong Bộ Tư lệnh không quân và các Quân đoàn tại Thượng Hải, Vũ Hán, Nam Kinh, Hàng Châu tiến tới thành lập Hạm đội liên hợp để giao con trai mình là Lâm Lập Quả làm Tư lệnh. Lâm Lập Quả tốt nghiệp khoa Vật lý Đại học Bắc Kinh năm 21 tuổi (1967), từng được Mao Trạch Đông ưu ái gọi: “tiểu tướng dám nghĩ dám làm”. Vì Lâm Lập Quả táo bạo đưa một lực lượng quân đội dưới quyền bạt nửa ngọn núi Hoàng Dương làm vị trí đặt radar hướng về phía thủ đô Moskva của Liên Xô với khả năng phát hiện nhanh “lúc Liên Xô khởi động phóng tên lửa xuyên lục địa” vào đất Trung Quốc. Năm Lâm Lập Quả 23 tuổi (1969) tư lệnh không quân Ngô Pháp Hiến (phe Lâm Bưu) bổ nhiệm Quả làm Phó chủ nhiệm Văn phòng kiêm Phó Ban tác chiến Quân chủng Không quân và đồng ý cho phổ biến trong nội bộ một nhận định “vượt khung” về Lâm Lập Quả: “Có đủ bản lĩnh của một lãnh tụ, nay biết được rồi chúng ta phải theo suốt đời dù bão táp mưa sa cũng không lùi bước”  “Lâm Lập Quả toàn tài, toàn soái, siêu tài, xứng đáng là người kế tục thuộc thế hệ thứ 3” (ý nói sau này Lâm Bưu làm Chủ tịch đảng thay Mao Trạch Đông, khi Lâm Bưu rời vị trí sẽ đến Lâm Lập Quả kế vị). Chẳng ngờ các phát biểu trên được “người ngoài cuộc” ghi âm và chuyển đến tận tay Mao Trạch Đông. Nghe xong, Mao Trạch Đông gọi Giang Thanh và những “tùy tướng” tin cẩn đến nghe, rồi phán - đại ý:
- Các người thấy rõ chưa, tôi còn chưa chết, đồng chí Lâm Bưu chưa lên thay mà đã vội vàng lo kiếm người kế tục mình. Chẳng lẽ một đứa trẻ ngoài 20 tuổi như Lâm Lập Quả được tâng bốc lên thành siêu thiên tài, chẳng phải nó là lãnh tụ đương không bỗng mọc ra
từ nhà họ Lâm cho đảng ta à?
Mao Trạch Đông quyết định thanh trừng Lâm Bưu.
Lâm Bưu cũng không kém, đưa Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì, Vu Tân Dã, Lý Vĩ Tín nghiên cứu kế hoạch lật đổ Mao Trạch Đông, họp mặt bí mật tại căn hầm tòa nhà số 889 đường Cự Lộ (Thượng Hải) trong ba ngày 21 đến 24.3.1971 vạch sẵn kế hoạch mưu sát Mao Trạch Đông với tên gọi “kỷ yếu công trình 571”. Tài liệu Tân Tử Lăng tường thuật (tóm lược):
Điểm cốt yếu của kế hoạch trên là giết chết Mao bằng cách lợi dụng một cuộc họp cấp cao nào đó để “quăng mẽ lưới bắt gọn”. Hoặc “dùng các phương tiện đặc chủng như hơi độc, vũ khí vi trùng, tên lửa, máy bay ném bom”. Hoặc “dựng cảnh tai nạn ô tô ám sát bắn trực tiếp, bắt cóc để giết Mao Trạch Đông”. Soạn thảo xong, Lâm Bưu sai Lâm Lập Quả thành lập đội huấn luyện quân sự dành cho các cán bộ cơ sở, nhưng thực chất để đào tạo các phân đội cơ động có khả năng chiến đấu mạnh ở Thượng Hải để giành thế thượng phong vào giờ G. Khi hay tin Mao Trạch Đông rời Bắc Kinh để tuần du phương Nam ngày 15.8.1971 trên chuyến chuyên xa (xe lửa), Lâm Lập Quả ra lệnh:
Hãy ra tay hạ Mao Trạch Đông tại Thượng Hải trên đường ông ta trở về Bắc Kinh trong chuyến khứ hồi bằng ba cách. Một là dùng súng phun lửa và B40 tấn công chuyên xa. Hai là dùng pháo cao xạ 100 ly chỉa nòng bắn thẳng cho cháy rụi. Ba là Vương Duy Quốc phải mang theo súng ngắn xâm nhập lên chuyên xa bắn chết Mao !.
Đến 10.9.1971, Mao Trạch Đông về tới Thượng Hải lúc 18 giờ 10 phút khi trời vừa chập tối và đêm ấy ở luôn trên chuyên xa, không bước xuống sân ga. Trưa hôm sau 11.9, bằng cách nào Vương Duy Quốc (người được giao nhiệm vụ ám sát) đã bước được lên xe lửa, ngồi vào bàn ăn trước mặt Mao Trạch Đông ?.  (còn nữa)



 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

(Trung Quốc)-Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (kỳ 11)

(TNBĐ) - Nếu Bành Chân xem uy tín Mao Trạch Đông chỉ cao ngang “núi Thái Sơn” thì nguyên soái Lâm Bưu không mấy chốc đã nâng thêm “chiều cao” đó lên tận đỉnh Chomolungma của thế giới và nêu nhận định ngược đời của mình trước 7.000 đại biểu: “bước tiến nhảy vọt và công xã nhân dân là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo” (!)
Kỳ 11: Lâm Bưu cướp diễn đàn “cứu giá“
Các tác giả cuốn “Mười năm cuối đời của Mao Trạch Đông” (sách đã dẫn ở kỳ 8) qua lần gặp đầu tiên đã mô tả Lâm Bưu – danh tướng một thời của Hồng quân Trung Hoa – có “dáng người không cao to, khuôn mặt trắng bệch, từ trên xe bước xuống, đi bộ một vài bước cũng phải có người dìu”. Lần ấy, Diệp Quần - vợ Lâm Bưu - đi theo sau, phân bua: “Tổng tư lệnh Lâm sức khỏe không được tốt, sợ gió, sợ ánh sáng, sợ lạnh, sợ ra mồ hôi”. Suốt 20 năm tiếp đó (1951 - 1971), họ còn gặp Lâm Bưu rất nhiều lần nữa ở Trung Nam Hải, ghi lại: “Mùa đông ngồi trong xe bảo hiểm có khí nóng, mà Lâm Bưu vẫn phải mặc bao ống quần” và cũng phải có người dìu đến phòng trực ban của cảnh vệ để cởi bỏ áo khoác, tháo khăn quàng cổ, cất mũ, sửa sang lại quần áo đầu tóc” rồi mới vào gặp Mao Trạch Đông. Xong việc, Lâm Bưu quay trở ra lấy đồ mặc, mất thời gian hơn người khác, nên “những lần Mao Chủ tịch yêu cầu Lâm Bưu tiếp khách nước ngoài phải chờ đợi ông khá lâu”. Con người bề ngoài yếu ớt, sợ cả “gió và ánh sáng” ấy lại đã “cướp diễn đàn” để giải nguy – “cứu giá” Mao Trạch Đông ít nhất hai lần.
Lần đầu vào tháng 9.1960, sau thất bại nặng nề của “bước tiến nhảy vọt”, lúc Mao Trạch Đông bị đẩy xa vị trí của mình một khoảng  (không chỉ huy sản xuất công nông nghiệp nữa), Lâm Bưu đã triệu tập Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng, để ra nghị quyết ủng hộ Mao Trạch Đông, xem tư tưởng Mao Trạch Đông “là kim chỉ nam của quân đội và toàn dân Trung Quốc”, chống lại “những người lấn quyền” và “đang khủng hoảng niềm tin vào Mao Chủ tịch” (như nguyên soái Chu Đức và Đặng Tiểu Bình phát biểu: “hoan nghênh Mao thôi chức Chủ tịch đảng”. Chu Ân Lai nhẹ nhàng hơn: “Chủ tịch tạm lui về tuyến hai, Chủ tịch vẫn là chủ tịch”.)
         Lần thứ hai ở “Đại hội 7.000 người”, Lâm Bưu không nhắc gì đến hậu quả của chỉ thị tai hại của Mao Trạch Đông buộc toàn dân phấn đấu tăng sản lượng thép từ 5,35 triệu tấn (1957) lên gấp đôi: 10,7 triệu tấn (vào 1958). Chỉ thị phổ biến tháng 8.1958 lúc chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm, không thể nào đủ sức lo liệu thêm 6,2 tấn thép cho đủ sản lượng trên. Nhưng Mao Trạch Đông bất kể quy luật kinh tế và nhất mực buộc phải“kết hợp giữa Các Mác và Tần Thủy Hoàng” để hoàn thành, nếu cần thiết vẫn phải “tháo dỡ các đường sắt tạm thời không có giá trị kinh tế như: đường sắt Ninh Ba, đường sắt Giao Đông” để làm nguyên liệu đúc thép. Vào cuộc, Nhân dân nhật báođăng bản tin “hoang tưởng”: tỉnh Hà Nam chỉ trong vòng 5 ngày (từ 10 đến 15.9) đã nâng số lượng lò luyện gang trong tỉnh lên 45.000 cái, huy động 3,6 triệu nông dân với 407.000 xe vận tải các loại, để mỗi ngày sản xuất 18.693 tấn gang. Thủ tướng Chu Ân Lai tiến hành thẩm định mới biết đó là “thành tích ảo”. Những “kỳ tích” tưởng tượng với hàng loạt con số sản lượng phóng lên đến “tận cung trăng” tương tự như Hà Nam, dẫn đến công bố của Tân Hoa Xã: sản xuất 11,08 triệu tấn thép trong năm ấy (tăng hơn mong muốn của Mao Trạch Đông) và 13,69 triệu tấn gang! (tài liệu sau này cho biếttrong đó có 3,08 triệu tấn thép và 4,16 triệu tấn gang phế phẩm, hoàn toàn không thể gia công sử dụng. Giá thị trường một tấn gang lúc đó là 150 nhân dân tệ (NDT), gang làm ra theo phương pháp thủ công phải cõng giá thành lên 315 NDT, nhà nước phải trợ giá 5 tỷ NDT cho “thắng lợi tinh thần” của việc ồ ạt làm gang thép ấy!”. Dầu Lâm Bưu không nhắc đến, song các đại biểu vẫn bàn tán về những tổn thất liên quan qua “đại hội 7.000 người” tháng 1.1962.
Vào thời điểm đó, Lưu Thiếu Kỳ vẫn còn trên đỉnh cao quyền lực (được Mao Trạch Đông giới thiệu với nguyên soái Anh Mongtgomery: “Khi tôi chết, ông ta sẽ lên thay”) – trên diễn đàn “đại hội 7.000 người”, vào phiên họp toàn thể ngày 27.1, thẳng thắn phân tích nguyên nhân dẫn đến thảm họa trong đại nạn “công xã nhân dân”, “nhà bếp tập thể”  và “ảo ảnh công nghệ thép” là do:
-        3 phần thiên tai, 7 phần nhân họa.
Lưu Thiếu Kỳ muốn nói Mao Trạch Đông phải gánh 70% trách nhiệm, cả hội trường vỗ tay hoan nghênh, tất nhiên không khỏi làm Mao Trạch Đông căm tức. Nhật ký của Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai) ghi rằng, cũng tại đại hội trên: “nhiều người yêu cầu Mao Trạch Đông rút lui”. Đang lúc Mao Trạch Đông bị bao vây, đơn độc, Lâm Bưu xuất hiện đúng lúc mang đến cho Chủ tịch của mình “vòng hào quang mới”, với khẳng định:“đường lối chung, cũng như bước tiến nhảy vọt và công xã nhân dân là đúng đắn, sáng tạo, những khó khăn vấp phải là do không làm theo chỉ thị của Mao” (!). Lâm Bưu dứt lời, Mao Trạch Đông đứng dậy vỗ tay, Lưu Thiếu Kỳ và Thường vụ Bộ chính trị ngần ngừ một lát mới đứng lên “vỗ tay theo” – 7.000 đại biểu tuy “gật đầu” nhưng “không chấp thuận”, nên ai đó trương khẩu hiệu: “Đả đảo Mao Trạch Đông!” trong hội trường ngay sau buổi đó…  (còn nữa)

 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam
Loading...