Thứ nhất, thủ đoạn từ không mà làm thành có
Trung Quốc đã và sẽ không bao giờ có thể đưa ra các bằng chứng lịch sử cũng như pháp lý về chủ quyền của họ tại Biển Đông. Theo Hiến chương Liên hợp quốc thì việc dùng vũ lực chiếm đoạt một vùng lãnh thổ không đem lại chủ quyền cho bên chiếm đoạt.
Chính vì không có lý, nên Trung Quốc đã dùng kế "biến không thành có”. Họ nhận bừa rằng mình có chủ quyền với Biển Đông từ 2000 năm trước. Về mặt pháp lý quốc tế, Trung Quốc nói rằng UNCLOS 1982 không áp dụng được với Biển Đông vì vùng biển này thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ trước khi UNCLOS 1982 ra đời (trên cơ sở thống nhất với sự ngụy tạo, nhận bừa chủ quyền với biển Đông từ 2000 năm trước). Ở đây, nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng các mưu kế như: "Vô trung sinh hữu” (từ không mà làm thành có), "Phản khách vi chủ” (từ khách thành chủ), "Kim thiền thoát xác” (ve sầu lột xác)…
Giải pháp ở đây là chúng ta phải đưa ra công luận quốc tế các bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông; đồng thời vạch trần việc "nhận bừa” của Trung Quốc, như các loại bản đồ mang tính bành trướng (bản đồ ngang 9 đoạn, bản đồ dọc 11 đoạn)...
Cũng cần vạch rõ, về việc Trung Quốc nói rằng UNCLOS 1982 không áp dụng được với Biển Đông, có khác nào nói Hiến chương Liên hợp quốc ra đời sau khi nước Mỹ ra đời thì Hiến chương Liên hợp quốc không áp dụng được với lãnh thổ nước Mỹ, hay nước Mỹ không cần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc?!... Việc Trung Quốc không tham gia vụ Philippines kiện nước này ra Tòa án quốc tế, chứng tỏ Trung Quốc biết rõ điểm yếu của mình, nên đã dùng kế "Tẩu vi thượng sách” (tốt nhất là trốn chạy). Do đó, các nước ASEAN liên quan đến quyền lợi trên Biển Đông cần tấn công thật mạnh vào điểm yếu pháp lý của Trung Quốc, vạch trần cho cộng đồng quốc tế thấy rõ tính phi pháp trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thứ hai, thủ đoạn cô lập đối phương và vô hiệu hóa cộng đồng quốc tế
Đuối lý, Trung Quốc thực sự lo lắng bị kiện ra tòa án quốc tế. Từ đó, họ đã nghĩ ra "mẹo” là tiến hành cô lập Việt Nam, Philippines cũng như các nước trong ASEAN; vô hiệu hóa cộng đồng quốc tế theo cách "viễn giao cận công”.
Vì thế, Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương, đồng thời tiến hành các hành động xâm chiếm trên thực địa với từng nước, trong các thời điểm có "khoảng trống quyền lực” do các nước lớn khác đang "bận rộn” với các vấn đề khác. Ở đây, nhà cầm quyền Trung Quốc dùng các mưu kế như "Sấn hỏa đả kiếp” (nhân cháy nhà mà cướp của), "Thuận thủ khiên dương” (thuận tay dắt dê), "Hỗn thủy mạc ngư” (đục nước bắt cá),…
Trung Quốc bằng nhiều chiêu bài ngoại giao rất muốn cộng đồng quốc tế im lặng và khoanh tay đứng nhìn; làm cho cộng đồng quốc tế mất cảnh giác về các ý đồ và hành động nham hiểm của Trung Quốc, ngộ nhận về sự "trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Ở đây, nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng các mưu kế như: "Man thiên quá hải” (giấu trời qua biển), "Tiếu lý tàng đao” (cười nụ giấu dao), "Viễn giao cận công” (xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực), "Phao chuyên dẫn ngọc” (ném gạch đi đưa ngọc tới)…
Chính vì thế, các nước ASEAN cần đoàn kết trong một mục đích chung; cần để các quốc gia gần gũi khác như như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... thấy được rằng nếu họ khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc "cận công” Việt Nam và Philippines xong sẽ đến lượt Trung Quốc "cận công” Malaysia, Bruney, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Vì với tư tưởng bành trướng "bình thiên hạ” thì Trung Quốc sẽ "cận công” không ngừng, cho đến khi nào thiên hạ nằm dưới sự kiểm soát của "thiên triều” mới thôi. Từ đó, phải làm cho cộng đồng quốc tế nhận rõ âm mưu của Trung Quốc để cùng nhau đoàn kết, chống lại mưu đồ bành trướng bá quyền Trung Quốc.