Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc
ngày nay
Kỳ 7: Chủ tịch nước "không nghề
nghiệp"
|
Mỗi dịp lễ lớn, ảnh chân dung Chủ tịch nước Lưu
Thiếu Kỳ được phóng to đặt ngang bằng với ảnh Chủ tịch đảng Mao Trạch Đông
trên trang nhất các tờ báo phát hành toàn Trung Quốc một cách trang trọng. Thế
mà khi chết, thi hài Lưu Thiếu Kỳ bị bí mật đưa vào lò hỏa táng dưới cái tên
lạ hoắc: “Lưu Vệ Hoàng: không nghề nghiệp”…
Được Mao Trạch Đông bật đèn xanh, Giang Thanh
ngang nhiên vượt “lằn ranh” của hiến pháp, sai đem Chủ tịch nước ra trước đám
đông luận tội. Có lần ngót một vạn rưỡi người của hơn 500 tổ chức tạo phản từ
khắp nơi được lệnh kéo về Bắc Kinh, dựng 7.000 căn lều bên “bức tường đỏ”
Trung Nam Hải, tuyên bố lập “phòng tuyến lửa” chống Lưu Thiếu Kỳ. Ròng rã
suốt mấy chục ngày đêm, 500 loa phóng thanh của Hồng vệ binh lớn tiếng rêu
rao nhiều tội trạng tưởng tượng của Chủ tịch nước - tội nào cũng có thể đưa
vào khung tử hình, như:“phản quốc, làm nội gián và tay sai Quốc Dân Đảng,
chống Mao Chủ tịch” v.v…
Đợi tình thế chín muồi, Giang Thanh chính thức đệ
trình báo cáo “khống” về những “tội lỗi đáng chết” ấy của Lưu Thiếu Kỳ lên
Hội nghị Trung ương 12, khóa 8 - do Mao Trạch Đông chủ trì tại Bắc Kinh (từ
13 đến 31.10.1968) - để “ép” hội nghị biểu quyết công khai (bằng giơ tay),
quyết định: “Khai trừ vĩnh viễn Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi Đảng”.
Chờ đúng ngày sinh nhật lần thứ 70 của Lưu Thiếu Kỳ (24.11.1968),
Giang Thanh mới chuyển băng ghi âm nghị quyết trên để Lưu Thiếu Kỳ nghe, làm
ông bị sốc, ức nghẹn không nói được lời nào, thở dồn dập và ngã xuống giường
sốt cao đến 400, huyết áp vượt mức báo động 260/130. Sau
“món quà sinh nhật” đầy ác tâm ấy của Giang Thanh, ông gần như
rơi vào tình trạng nửa sống nửa chết, đến tối 17.10.1969 hơi thở yếu thấy rõ.
Được tin, Hồng vệ binh theo lệnh Giang Thanh gấp rút đưa ông lên máy bay quân
sự chở tới kho bạc cũ ở Khai Phong giam giữ. Nơi này có những cánh cửa bằng
thép che chắn bên ngoài. Dưới đất có hai trung đội vũ trang canh gác ngày
đêm. Trên cao bố trí 4 khẩu súng máy ở các mái nhà quanh đó chĩa xuống. Bị
giam trong “lòng chảo” trá hình như vậy, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ kiệt sức
dần và qua đời lúc 6 giờ 40 phút sáng 12.11.1969 dưới nền đất lạnh. Quanh ông
tuyệt nhiên không có một người thân. Phu nhân Vương Quang Mỹ đang bị cô lập.
Vệ sĩ của ông là Lý Thái Hòa đến nhận xác, thấy từ khóe miệng của
Chủ tịch vài vệt máu chưa kịp khô, nhưng tay chân đã cứng. Người vệ sĩ trung
thành dùng kéo xén bớt mái tóc bạc quá dài đã nhiều ngày không ai cắt giúp,
lấy tay vuốt mắt, mặc quần áo và xỏ “giày vĩnh biệt” cho ông. Cùng lúc
đó, nhân viên Tổ chuyên án do Giang Thanh phái đến đưa máy ảnh lên chụp cảnh
tượng trên (để mang về trình báo Mao Trạch Đông) và hối thúc đưa nhanh thi
hài “tên phản Đảng” ra xe. Đó là chiếc xe quân sự quá nhỏ làm hai chân
của xác chết phải lòi ra một khúc khỏi thùng xe. Thi hài Lưu Thiếu Kỳ hỏa
táng dưới cái tên “Lưu Vệ Hoàng, không nghề nghiệp” - đồng
nghĩa với tình cảnh của một người chết vô danh (tuy có tên nhưng mới
vừa đặt - không ai biết), vô gia cư (chẳng có ai nhận về
chôn) và… vô nghề nghiệp!
Viết về thời kỳ bức hại phi pháp thảm khốc tương tự, sách báo Trung
Quốc những năm gần đây có nhiều nhận định khác nhau về vai trò Mao Trạch Đông
và Giang Thanh. Đại khái có 3 cách nhìn: 1. Như cuốn “Bốn
người vợ của Mao Trạch Đông” có ẩn ý “đổ tội nhiều hơn
cho Giang Thanh”. 2. Hoặc cuốn “10 năm
cuối đời của Mao Trạch Đông” do Trần Trường Giang (người trực tiếp
bảo vệ Mao Trạch Đông 27 năm, đến khi Mao Trạch Đông qua đời) hầu như“đổ
hết tội cho Giang Thanh”. 3. Có khoảng cách khá xa so với
những ý kiến tương tự như hai cuốn trên là nhận định của nhà nghiên cứu Tân
Tử Lăng, đã đẩy vai trò “sáng tạo và đạo diễn” thảm kịch lịch sử về phía Mao
Trạch Đông, mà Giang Thanh là “diễn viên” xuất sắc nhất. Thử nêu dưới đây vài
nội dung cụ thể của “3 cách nhìn” đó.
Mở đầu với cuốn “Bốn người vợ của Mao
Trạch Đông” (sđd Kỳ 1) phân tích sự khác biệt về tính
cách và sở thích giữa hai người: “Mao Trạch Đông chuyên đi xe lửa,
Giang Thanh lại chỉ thích đi máy bay. Trong văn học và hý kịch, Mao Trạch
Đông thích cổ điển, còn Giang Thanh thì chỉ thích hiện đại. Mao Trạch Đông
thường làm việc ban đêm, ngủ dậy muộn, Giang Thanh thì dậy rất sớm. Khi
ăn, Mao Trạch Đông ăn ngốn ăn ngấu, không kén cá chọn canh, Giang Thanh thì
chỉ thích của lạ, ăn tươi sống. Mao Trạch Đông rất thích ăn cay, Giang Thanh
không thích. Mao Trạch Đông không cho phép để hoa cỏ, đồ vật trang trí và các
con vật nhỏ trong nhà. Giang Thanh thì thích trồng hoa lan và nuôi khỉ. Mao
Trạch Đông có gì mặc nấy, Giang Thanh thì rất cầu kỳ, hàng tuần cứ phải dành
riêng thời gian để chọn quần áo, thị thích màu cà phê, rất ghét màu vàng, có
khi một ngày phải thay ba bộ quần áo - Mao Trạch Đông không thích nghe bác sĩ
giảng giải, mà các nhân viên y tế lại là khách thường xuyên trong đời sống
của Giang Thanh”, nên có lần Mao Trạch Đông nhận xét: “một
người không chịu rèn luyện thân thể, chỉ có ăn ngon mặc đẹp, ở sướng, ra khỏi
cửa là ngồi xe ô tô (như Giang Thanh) thì người ấy lúc nào cũng
bệnh!” (còn nữa)
|
TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét