![]() |
Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: VTC |
LTS: Không thể đem một luận thuyết lạc hậu, không được quốc tế công nhận để chứng minh chủ quyền. Trung Quốc đang cố làm những điều sai trái. Sai trái chồng sai trái khi họ cố tình chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thuộc về họ.
Loạt bài 5 kỳ viết về vấn đề này sẽ làm
sáng tỏ lý lẽ của Việt Nam và sự đuối lý của Trung Quốc.
Kỳ 3: Hoàng Sa, Trường Sa chưa từng
thuộc về Trung Quốc
Để bác lại các quan điểm trong tuyên bố của Bộ
Ngoại giao và các học giả Trung Quốc, từ rất lâu, Tiến sĩ Trần Công Trục và các
học giả Việt Nam đã dày công nghiên cứu về sự sai trái, các tham vọng của Trung
Quốc. Ông Trục chỉ rõ, tham vọng của Trung Quốc đang mâu thuẫn bởi chính các
nguồn tư liệu của nước này.
“Chỗ
đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa?”
Theo
đó, có nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và nói rõ lãnh thổ của nước này có điểm
tận cùng ở phía Nam là đảo Hải Nam. Trong đó, đáng chú ý là cuốn Địa chí phủ
Quỳnh Châu cũng như cuốn Địa chí tỉnh Quảng Đông năm 1731. Điều này cũng được
ghi trong Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ, phát hành năm 1894. Ngoài ra,
quyển sách Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư, phát hành năm 1906 nêu ở trang
241 rằng: “điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu, ở
vĩ tuyến 18o13’ Bắc”.
Tiến
sĩ Trục hết sức tâm đắc với nhận xét của bà Monique Chemillier Gendreau, giáo
sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot,
nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu
Âu, rằng: Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo
mọc rải rác nhưng chúng không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng,
Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý hai quần
đảo này.
Ông
Trục cũng nhấn mạnh, không chỉ thế giới, mà chính người Trung Quốc chân chính
cũng đưa ra nhận xét về “chủ quyền lịch sử” Trung Quốc. Giáo sư Lý Lệnh Hoa ở
Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, có bút danh là “Bao Phác Tiên Nhân”,
khi nói đến sự sai trái, trái pháp luật quốc tế từ phía Trung Quốc cũng nhấn
mạnh: "Chúng ta thường thích nói một câu là: Từ xưa đến nay thế này thế
nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào hai chữ “thiêng liêng”. Đó chính là cái gọi là
chứng cứ lịch sử…, nhưng chứng cứ đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc
tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực
sự. Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục
tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu
đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc chắn. Ở Nam
Sa, chúng ta không có được điều đó”.
Câu
hỏi của Giáo sư Lý Lệnh Hoa chắc hẳn sẽ khiến nhà chức trách Trung
Quốc rất khó trả lời.