TIN NÓNG HOÀNG SA-TRƯỜNG SA, BIỂN ĐÔNG (VIỆT NAM)

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

(NLLS)- Cuộc chiến tranh 28 phút trên biển – cái nhìn từ TQ

(TNBĐ) - Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, nước VN luôn đối mặt với các cuộc xâm lược từ phương Bắc. Cho dù có đánh thắng họ rồi, các vua VN vẫn cứ phải cử sứ thần sang TQ triều cống, tỏ ra thần phục để giữ quan hệ lâu dài. Đó là một trong những kế sách giữ nước của một nước nhỏ nằm sát nách một nước rất lớn và tàn bạo. Nhưng, ông cha ta không hề một phút mơ hồ đối với dã tâm của TQ. Hơn một ngàn năm Bắc thuộc, TQ đã không thể đồng hóa được dân tộc VN ta đó sao?


Quan hệ với TQ là một vấn đề khó nhất trong chính sách đối ngoại của VN – hiện nay, cũng như những năm đánh Mỹ. Cân bằng tốt hai mối quan hệ giữa VN với TQ và Liên Xô là thành công lớn nhất của ngoại giao VNDCCH thời đó. Quan hệ Việt – Trung luôn luôn là lúc nóng, lúc lạnh, ngay cả thời kỳ “trăng mật”. Khi giao nhiệm vụ cho Đoàn cố vấn TQ sang giúp VN đánh Pháp, Mao Trạch Đông nói: “Trong lịch sử từ đời Hán trở đi, TQ đã từng ức hiệp VN. 80 năm trước chính phủ Mãn Thanh cắt nhượng VN cho Pháp. Dân tộc VN là một dân tộc tốt, bị nước ngoài cai trị và áp bức lâu dài, họ căm thù người Pháp, rất nhạy cảm với người nước ngoài. Các đồng chí có thể nói với các đồng chí VN: tổ tông xưa của chúng tôi đã từng ức hiếp các đồng chí, chúng tôi xin tạ lỗi các đồng chí”.
Giữ được quan hệ tốt với TQ, chúng ta thấy Hồ Chí Minh có vai trò rất lớn. Có dịp, chúng ta sẽ đề cập thêm vấn đề này trong đề tài Ngoại giao VN thời đánh Mỹ.
Sau cuộc chiến biên giới năm 1979, TQ thực hiện rất nhiều chính sách thâm độc hòng làm “chảy máu” VN, làm cho VN suy yếu, kiệt quệ. Trên đất liền, tiếp tục quấy nhiễu biên giới, đánh nhau giằng co hơn 1.800 ngày. Năm 1984, TQ bất ngờ tấn công điểm cao 1509, Vị Xuyên của VN mà TQ gọi là Lão Sơn, gây nhiều thương vong cho quân VN.
Trên biển, ngày 14.3.1988 (cách đây 22 năm), đã diễn ra một trận đánh ở Trường Sa giữa VN và TQ, tức là cuộc chiến tranh 28 phút trên biển, kết thúc bằng việc TQ lại giành thêm một số đảo nữa ở Trường Sa, sau khi đã chiếm trọn Hoàng Sa.
Theo cái nhìn từ TQ, ngày 14.3.1988, trong khi nhân viên khảo sát khoa học của TQ đang tiến hành công việc bình thường trên 2 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa, thừa lúc tàu thuyền bảo vệ hoạt động khảo sát khoa học của Hải quân TQ quay về đảo Hải Nam, Hải quân VN đã tập kích bất ngờ, nổ súng, bắn pháo vào nhân viên khoa học TQ, hòng chiếm những hòn đảo này. Ngoài ra, Hải quân VN còn nã pháo vào tàu thuyền tuần tiễu của TQ, làm bị thương một số người. Trong khoảnh khắc, trên biển tối sầm, tiếng pháo đùng đúng, bốn bề tiếng súng râm ran. Toàn bộ nhân viên khảo sát khoa học, tính mạng và tài sản của họ bỗng dưng bị đe dọa nghiêm trọng.
Vẫn theo cái nhìn từ TQ, trước tình thế khẩn cấp, bộ đội Hải quân TQ lập tức xuất kích, với 3 tàu hộ vệ làm chủ lực, hướng thẳng về phía tàu VN. Chiến hạm kiểu mới được trang bị tên lửa biển đối biển, pháo tự hành 100 ly hợp đồng tác chiến với tàu ngầm và các loại hạm tàu kiểu mới khác, hình thành lưới lửa dày đặc, khiến quân VN lâm vào thế trận bị động chịu đòn. Tàu đổ bộ 505 của Hải quân VN đang tấn công vào đảo vội vã ứng chiến, còn hai tài vận tải 604, 605 cũng tổ chức bắn trả, vừa đánh vừa tìm cách rút lui. Trong tiếng pháo đùng đùng, tàu vận tải 604 của Hải quân VN bị bắn chìm tại chỗ, tàu đổ bộ 505 bị bắn trọng thương và chìm trên đường về, còn tàu vận tải 605 bị mắc cạn.

Cuộc chiến đấu không cân sức chỉ diễn ra vẻn vẹn 28 phút, đã kết thúc với phía VN bị thiệt hại: một tàu chìm tại chỗ, 02 tàu bị thương, 20 người chết, mất tích 74 người. Phía TQ chỉ có một số người bị thương, ngoài ra không tổn thất gì.
Sự thực dĩ nhiên tất cả không phải như cái nhìn từ TQ. Chúng ta thấy đầy rẫy sự mâu thuẫn và dối trá khi TQ mô tả nguyên nhân của trận đánh. Làm sao mà TQ bỗng dưng có ngay 3 tàu hộ vệ làm chủ lực, chiến hạm kiểu mới được trang bị tên lửa biển đối biển, pháo tự hành 100 ly hợp đồng tác chiến với tàu ngầm và các loại hạm tàu kiểu mới khác đế tấn công tàu VN? Lại nói, chỉ có một số nhân viên khảo sát khoa học trên đảo, nhân lúc Hải quân TQ quay về đảo Hải Nam, Hải quân VN đã tập kích bất ngờ, nổ súng?
Sự thực là tàu VN chở vật liệu ra xây dựng ở đảo, khi đó Hải quân TQ đã dàn trận sẵn, chỉ chờ cơ hội là lập tức nổ súng. So sánh lực lượng, chúng ta thấy sự hơn hẳn của TQ và TQ còn dành luôn ưu thế bất ngờ trong trận đánh.
Tại thời điểm nổ ra trận đánh đó, một số nhà nghiên cứu TQ cho rằng: Hải quân TQ muốn giành lại tất cả các đảo của quần đảo Trường Sa không phải là khó khăn lắm. Song, vấn đề là làm sao giữ được những hòn đảo này, vì chúng cách đất liền quá xa, điều kiện cố thủ kém, là sơ hở mà người VN có thể lợi dụng. Vậy, muốn giữ phải có sự yểm trợ và phối hợp của không quân. Trước mắt, liệu máy bay quân sự của TQ có thể cất cảnh ở Hải Nam, bay đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa rồi trở về được không? Muốn vậy, phải có tàu sân bay và tiếp dầu trên không.
Đến nay thì quân đội TQ nói chung, Hải quân TQ nói riêng, đã rất lớn mạnh, có đầy đủ điều kiện. Rõ ràng, dã tâm từ xưa đến nay của TQ là rất lớn và sự cảnh giác của VN phải luôn luôn đặt trong trạng thái thường trực – đặc biệt trong việc giữ nguyên trạng Trường Sa.
Tháng Ba 13, 2010 — Lê Mai


 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Không có nhận xét nào:

Loading...