TIN NÓNG HOÀNG SA-TRƯỜNG SA, BIỂN ĐÔNG (VIỆT NAM)

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

(Tin BĐ)-Mỹ - Ấn kỳ vọng Việt Nam ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.


(TNBĐ) -Việt Nam đang trở thành một “địa chỉ tin cậy” ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trong một cuộc đối đầu có thể xảy ra trong tương lai ở Biển Đông hay khu vực châu Á. Đó là nhận định chuyên gia Jeremy Bender trên tờ Bussiness Insider.
Ngày 28.10, Ấn Độ tuyên bố sẽ bán một số tàu hải quân cho Việt Nam để đổi lấy một thỏa thuận thăm dò dầu khí tại Biển Đông. Các tàu quân sự Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam rơi đúng vào thời điểm mà căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh Biển Đông đang gia tăng. Trên thực tế, Trung Quốc có những tuyên bố và hành động khẳng định chủ quyền một cách phi pháp, xâm phạm chủ quyền của nhiều nước trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Việc Ấn Độ quyết định hợp tác quốc phòng với Việt Nam cũng xuất phát từ việc New Dehli đang có tranh chấp biên giới trên bộ với Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ đã từng xảy ra chiến tranh biên giới năm 1962 và cho đến giờ, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, những tranh cãi của hai nước quanh vấn đề biên giới đã đè nặng quan hệ song phương.

Trung Quốc đã tận dụng triệt để việc cắm mốc chưa rõ ràng để từ từ xâm lấn, ăn mòn lãnh thổ Ấn Độ bằng cách xua quân vào khu vực tranh chấp và biến chúng thành khu vực Trung Quốc kiểm soát một cách “bình thường”. Các cuộc xâm nhập đó ở mức độ nhỏ đủ để tránh các phản ứng quân sự từ Ấn Độ. Thế nhưng, việc phản ứng thiếu quyết liệt của Ấn Độ đã tạo cho Trung Quốc dùng bài tằm ăn dâu suốt mấy thập kỷ qua.

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đang cố gắng để cải thiện mối quan hệ và thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhưng giới quân sự hai nước vẫn nhìn nhau với ánh mắt dò xét. Trong bối cảnh đó, việc Ấn Độ tìm đến Việt Nam để chia xẻ hợp tác quân sự cũng là điều dễ hiểu.

Mỹ cũng đặc biệt chú ý đến việc Việt Nam như là một địa chỉ đáng tin cậy chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Ngày 2.10, Mỹ một phần dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam như một nỗ lực để giúp cải thiện khả năng phòng ngự trên biển chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.

"Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng, sẽ tạo ra sự hợp tác trong tương lai", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên nói với Reuters. "Việc thay đổi chính sách cho phép chúng tôi hỗ trợ Việt Nam có khả năng tự vệ tại Biển Đông".

Động thái Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự cho các đối thủ của Trung Quốc (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…) xuất hiện trong bối cảnh quân đội Trung Quốc có những phát triển vượt bậc thời gian qua. Trung Quốc đang trong quá trình phát triển một hạm đội tàu ngầm trang bị hạt nhân. Bắc Kinh cũng đang cố gắng phát triển máy bay chiến đấu sang thế hệ thứ năm để thách thức Mỹ và các đồng minh trong khu vực.


 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

(BL)- QUAN ĐIỂM CỦA ĐÀI LOAN VỀ “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” ĐỐI LẬP VỚI QUAN ĐIỂM CỦA TRUNG QUỐC

(TNBĐ)- Quan điểm của Chính quyền Trung Hoa Dân quốc ở Đài Loan về tranh chấp Biển Đông và nhất là về “đường lưỡi bò” được ông Mã Anh Cửu, Tổng thống Đài Loan đưa ra trong Lễ khai mạc “Triển lãm đặc biệt về tài liệu lịch sử biên cương phía Nam của Trung Hoa Dân quốc” tại Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đi ngược lại quan điểm của Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu của mình, ông Mã Anh Cửu đã đưa ra quan điểm của Đài Loan trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là không phản đối cách tiếp cận đa phương trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông với sự tham gia của Đài Loan.
Ông Mã Anh Cửu đưa ra một số dẫn chứng để minh họa cho cái gọi là sự “đóng góp” của Đài Loan trong việc quản lý, sử dụng các đảo liên quan ở Biển Đông và khẳng định “Trung Hoa Dân quốc không thể vắng mặt trong bất cứ cuộc đàm đàm phán, thương lượng nào liên quan đến Nam Hải (Biển Đông), vì nước ta (Đài Loan) có vai trò vô cùng quan trọng”.
Quan điểm này hoàn toàn đối lập với quan điểm của Chính quyền Bắc Kinh về việc phản đối “quốc tế hóa và đa phương hóa” mà chỉ chấp nhận đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Với lập trường “một nước Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc”, những người cầm quyền ở Bắc Kinh phản đối việc Đài Loan tham gia vào giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong khi đó ông Mã Anh Cửu kêu gọi các chuyên gia, học giả tiếp tục giúp Chính phủ Trung Hoa Dân quốc trong việc thu thập các lập luận vững vàng và lấy đó làm cơ sở “đảm bảo cho việc Trung Hoa Dân quốc không bị gạt ra bên ngoài trong bất kỳ cuộc thương lượng, đàm phán hoặc chế định quy tắc ứng xử nào trong tương lai liên quan đến Nam Hải (Biển Đông) ”.
Đáng chú ý là nội dung ông Mã Anh Cửu giải thích về yêu sách đường lưỡi bò thì hoàn toàn đối lập với quan điểm của Trung Quốc. Trong bài phát biểu của mình, ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh: “Vào thời điểm nước ta (Đài Loan) tuyên bố “Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) ”, khi đó ngoài lãnh hải thì chưa có chủ trương hoặc khái niệm đối với những vùng biển khác, vì vậy vẫn tồn tại những ý kiến bất đồng giữa các bên khi bàn về việc nên áp dụng “Luật quốc tế” như thế nào trong việc giải quyết tranh chấp Nam Hải (Biển Đông). Ông Mã Anh Cửu cho rằng khi xảy ra tranh chấp quốc tế, thì luật quốc tế áp dụng lúc đó hoàn toàn không phải là bộ luật của thời điểm xảy ra tranh chấp mà phải là bộ luật ở thời điểm yêu sách được nêu trước đó “như vậy thì tương đối phù hợp với tình hình thực tế”; và bất kể là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hay vùng biển thì vẫn phù hợp với nguyên tắc “đất thống trị biển” của Luật Biển”.
Ông Mã Anh Cửu còn giải thích rõ vào năm 1947, khi “đường lưỡi bò” lần đầu tiên xuất hiện trong tấm bản đồ với cái tên gọi “Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) ” thì chưa có khái niệm về thềm lục địa mà theo quy định lúc đó thì lục địa cũng như các đảo chỉ có lãnh hải là 3 hải lý. Mãi cho đến năm 1958, khi Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị lần thứ nhất về “Luật Biển”, đồng thời đưa ra 4 Công ước như “Công ước về thềm lục địa”… thì “quốc tế mới chính thức hình thành khái niệm về thềm lục địa”.
Với cách giải thích này của ông Mã Anh Cửu thì yêu sách “đường lưỡi bò” là yêu sách về các đảo nằm trong đó và vùng biển cho các đảo này là 3 hải lý đúng với tên gọi của tấm bản đồ này, ngoài ra không còn yêu sách về các vùng biển nào khác.

Quan điểm nói trên của Đài Loan đã phủ nhận yêu sách của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với toàn bộ vùng nước nằm bên trong “đường lưỡi bò”. Quan điểm của Bắc Kinh cho rằng các cấu trúc ở Trường Sa có vùng đặc quyền và thềm lục địa riêng được nêu trong Công hàm của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc tháng 4/2011; quan điểm cho rằng các cấu trúc ở Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa được Trung Quốc đưa ra tại cuộc họp báo ngày 08/6/2014 và trong tài liệu gửi lên Liên hợp quốc ngày 09/6/2014. Yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cho các cấu trúc thuộc Hoàng Sa, Trường Sa là trái với các quy định của Điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 về quy chế đảo vì các cấu trúc của Hoàng Sa, Trường Sa không đủ điều kiện cho con người sinh sống hoặc không thể có đời sống kinh tế riêng. Yêu sách này của Trung Quốc lại càng không phù hợp với luật pháp quốc tế những năm 40 của Thế kỷ 20 khi các đảo và cả lục địa chỉ có lãnh hải tối đa 3 hải lý.
Trung Quốc chắc chắn tức giận vì phát biểu của ông Mã Anh Cửu, nhưng không thể vu cáo cho ông ta là từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Hoa Dân quốc bởi trong phát biểu của mình, ông Mã Anh Cửu vẫn khẳng định chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông và vùng lãnh hải cho các đảo này. Ông Mã không tham lam như những người đứng đầu ở Bắc Kinh nên đã dũng cảm giải thích về “đường lưỡi bò” theo cách của Đài Bắc.
Giải thích của ông Mã Anh Cửu chắc chắn nhận được hoan nghênh của các chuyên gia, học giả và cả chính quyền của một số nước bởi lẽ giải thích này giúp làm sáng tỏ yêu sách ở Biển Đông mà bấy lâu nay chính quyền Bắc Kinh luôn im lặng “ngậm miệng ăn tiền” trước yêu cầu của dư luận.

 - TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Nhìn lại trận chiến Hoàng Sa 1988: Không quân VN buộc tàu TQ tháo chạy ở Len Đao.

(TNBĐ) - Trường Sa 1988, TQ cho 7 tàu chiến và vô số xuồng nhỏ bao vây, uy hiếp Len Đao. Nhưng khi trên bầu trời xuất hiện 7 máy bay chiến đấu của Việt Nam, tàu TQ phải tản ra.



Trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, lực lượng không quân luôn nhận được sự kỳ vọng rất lớn của đất nước. Những năm gần đây, Việt Nam liên tục tiếp nhận các loại máy bay hiên đại chuyên dùng cho nhiệm vụ tác chiến trên biển như Su-30MK2V, CASA-212, DHC-6…
Tuy nhiên không phải đến hôm nay, lực lượng Không quân mới trở thành lực lượng quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mà trong chiến dịch CQ-88 bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988, Không quân Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, hỗ trợ đắc lực cho Hải quân thu hồi và bảo vệ thành công Len Đao.
Vượt hiểm nguy đến với Trường Sa
Trong năm 1987, đứng trước tình hình hết sức căng thẳng, để bảo vệ vững chắc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Quân chủng Không quân được giao các nhiệm vụ:
- Trinh sát chụp ảnh, quan sát bằng mắt trên các đảo và vùng biển xung quanh Trường Sa
- Bay thả hàng không dù trên các đảo có diện tích rộng
- Tổ chức huấn luyện phi công làm nhiệm vụ bay biển xa, trinh sát chụp ảnh, chi viện cho các đảo
- Sử dụng không quân tiêm kích – bom (cường kích) hoạt động ở tầm bay tối đa, mục tiêu ngắm vào tàu chở quân tiếp viện của đối phương.
Ngày 7/11/1987, Tư lệnh Quân chủng Không quân lệnh cho Sư đoàn 372 cơ động một phi đội Su-22 thuộc Trung đoàn 923 vào sân bay Phan Rang để huấn luyện làm quen với khu vực chiến đấu. Su-22 loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Không quân Việt Nam thời bấy giờ.
Su-22M lắp động cơ tuốc bin phản lực R-29BS-300 cho phép đạt tốc độ tốc đa 1.860 km/h ở độ cao 8.000m, 1400 km/h trên biển. Tầm bay chiến đấu 1.150 km với 2 tấn vũ khí, tuần tra 2.300 km.
Vũ khí gồm 2 pháo 30 mm NR-30 , 80 viên mỗi súng, 2 tên lửa không đối không R-60 ; 10 giá treo cứng mang được 4.250 kg vũ khí (3 vị trí dưới cánh cố định, 4 hoặc 2 trên thân), gồm gồm: tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25; tên lửa chống radar Kh-28, bom có điều khiển, bom không điều khiển, rocket…
Ngày 14/11/1987, phi đội Su-22 đã bay từ Thọ Xuân vào Phan Rang. Từ ngày 21/11, sư đoàn 372 tổ chức trực ban chiến đấu và huấn luyện bay biển cho phi công lái Su-22 tại sân bay Phan Rang.
Ngoài đơn vị Su-22, một bộ phận máy bay vận tải chiến thuật An-26 cũng được cơ động vào Nam để trinh sát chụp ảnh, chở quân tiếp viện, thả dù hàng…
Những phi công có nhiều giờ bay, trình độ bay cao được lựa chọn để huấn luyện bay biển xa. Những chuyến bay biển đầu tiên được tổ chức tới các đảo gần bờ. Cự ly cách bờ được tăng dần ở các chuyến bay, lúc đầu là 100 km, 200 km và nâng dần lên 500 km…
Sáng ngày 10/2/1988, phi công Vũ Xuân Cương đã thành công chuyến bay nhiệm vụ đầu tiên trên cường kích Su-22M từ Phan Rang ra tuần tiễu Trường Sa. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam ra tới Trường Sa. Để có thể bay đường dài ra Trường Sa, máy bay đã phải lắp thêm 4 thùng dầu phụ cho máy bay.
Chiếc Su-22M được lệnh cất cánh lúc 8h sáng 10/2/1988. Các phi công đã phát hiện ra đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa ở khoảng cách hơn 30 km. Hạ thấp độ cao, phi công cho máy bay bay qua đảo và trở về căn cứ an toàn
Hình ảnh máy bay của không quân ta bay qua Trường Sa đã củng cố thêm quyết tâm bảo vệ chủ quyền của các chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo. Các chuyến bay sau đó, các phi công đều cố gắng đưa máy bay xuống rất thấp, bộ đội ngoài quần đảo nghe tiếng máy bay đã ùa ra đón.
Tuy nhiên, để có được những chuyến bay ra đảo, Không quân Việt Nam đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn và cả nguy hiểm nữa.
Trước hết, thời điểm đó phương tiện dẫn đường của ta chỉ có bán kính 300 km nên sau đó phi công phải tự đi. Giữa mênh mông biển nước, việc xác định vị trí là cực kỳ khó khăn, đòi hỏi người phi công vừa phải tài giỏi vừa phải gan dạ. Bay biển cực kỳ phức tạp vì thời tiết thay đổi đột ngột, hơn nữa nền trời và biển giống nhau, lại không có địa tiêu nào để phi công dựa vào phán đoán tọa độ, phương vị, so sánh giữa vị trí của mình với khu vực cần đến.
Hơn nữa Su-22M không phải là máy bay có tầm bay xa vì vậy nếu sai một chút nhỏ về phương hướng thì không còn đủ nhiên liệu để về đến đất liền. Khi bay về hạ cánh, lượng dầu mỗi máy bay chỉ còn lại khoảng 700 kg, chỉ đủ bay thêm được khoảng 10 phút nữa.
Không chỉ hạn chế về trang bị mà điều kiện khí tượng cũng gây ra sự nguy hiểm cho những chuyến bay, biển Đông là nơi hội tụ nhiều cơn bão nhiệt đới cũng như mây, mưa, lốc quanh năm. Những đám mây, cột lốc xoáy luôn rình rập những cánh bay của Không quân Việt Nam.
Đặc biệt, chuyện giáp mặt với máy bay đối phương cũng thường xuyên xảy ra đòi hỏi người phi công phải bình tĩnh, gan dạ và mưu mẹo để sẵn sàng xử lý những tình huống có thể nảy sinh.
Xuất kích giữ đảo Len Đao
Trong chiến dịch CQ-88, ngay từ đầu chủ trương của ta là chỉ sử dụng các lực lượng vận tải và công binh để thực hiện đóng quân bảo vệ chủ quyền, không để đối phương tạo cớ đánh chiếm toàn bộ quần đảo khi lực lượng của ta còn mỏng do phải căng sức trên toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc và Tây Nam vì vậy không quân tiêm kích ít khi hiện diện trên quần đảo Trường Sa. Thực hiện nhiệm vụ lúc này là các máy bay vận tải AN-26 của Trung đoàn 918.
Từ ngày 1/3-20/4/1988, Trung đoàn không quân 918 thực hiện 10 chuyến bay ra Trường Sa quan sát chụp ảnh, thông báo tình hình đối phương trên biển về sở chỉ huy. Ngay sau trận chiến ở đảo Gạc Ma, ngày 14-15-16/3/1988, máy bay An-26 của Không quân Việt Nam đã bay ra Cô Lin, Len Đao trinh sát trận địa nhưng Trung Quốc cũng điều máy báy ngăn chặn.
Ngày 30/3/1988, tư lệnh Quân chủng Không quân ra chỉ thị về việc tăng cường bay huấn luyện trên biển xa cho Su-22M nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển. Ngày 24/4, quân chủng quyết định điều thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân vào Phan Ranh. Cuối tháng 6, có thêm 10 chiếc Su-22M nữa vào Phan Rang.
Một tháng sau sự kiện ngày 14/3, Hải quân đi trên tàu chiến hải quân, chở theo 35 lính công binh và 7 lính hải quân do Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ huy được trang bị súng 12ly7, DKZ… quay lại quyết giành lại Len Đao và Gạc Ma. Trước khi đi, phía ta đã xác định có thể xảy ra chiến sự, lực lượng của ta mỏng, trong khi Trung Quốc tàu lớn, quân đông và họ cũng quyết liệt xâm chiếm đảo của ta.
Từ 2h sáng, Hải quân Việt Nam bí mật cho xuồng nhỏ vào thăm dò, rồi cho người tiếp cận Len Đao và Gạc Ma. Tuy nhiên ta chỉ có thể cắm cờ lên đảo Len Đao. Tại Gạc Ma, phía Trung Quốc đã xây nhà cấp tốc và giăng lưới điện xung quanh đảo nên các chiến sĩ không tiếp cận được.
Buổi sáng ra, phát hiện ra ta cắm cờ ở Len Đao, Trung Quốc cho 7 tàu chiến và vô số xuồng nhỏ bao vây, uy hiếp. Hải quân Việt Nam vẫn kiên quyết bám đảo dù lực lượng của ta ít hơn rất nhiều.Không khí hết sức căng thẳng, trận chiến rất dễ xảy ra, nhưng trên bầu trời xuất hiện 7 máy bay chiến đấu của Việt Nam bay từ đất liền ra quần đảo,ngay lập tức phía tàu Trung Quốc tản ra. Bộ đội ta tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ xây dựng công sự và bảo vệ vững chắc đảo Len Đao cho đến ngày hôm nay.
Tiếp tục những chuyến bay nối đất liền và đảo xa
Nhận thấy sự cần thiết tăng cường lực lượng Không quân trong nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, ngày 10/6/1988, Tư lệnh Không quân phê duyệt lại kế hoạch triển khai nhiệm vụ bảo vệ và chi viện Trường Sa. Quân chủng chủ trương sử dụng các lực lượng hiện có (gồm tiêm kích đánh chặn MiG-21bis, cường kích Su-22M, vận tải cơ An-26 và trực thăng Mi-8/Ka-25) thực hiện 4 nhiệm vụ chính: bay trinh sát, vận chuyển đường không; tấn công các mục tiêu trên biển và đảo; tiêm kích bảo vệ đội hình chiến đấu không quân – hải quân; hiệp đồng chặt chẽ với hải quân và phòng không bảo vệ Trường Sa.
Ngày 24-28/6 hai biên đội Su-22M (4 chiếc) của trung đoàn 923 lần lượt bay nhiệm vụ ra đảo Trường Sa và An Bang.
Từ 24 đến 29/10/1988, Quân chủng Không quân tham gia đợt diễn tập chi viện quần đảo Trường Sa (mang tên CV-88). Địa điểm diễn tập là căn cứ Phan Rang, Cam Ranh và vùng biển hai tỉnh Phú Khánh – Thuận Hải. Lực lượng tham gia có: máy bay tiêm kích – bom Su-22M (Trung đoàn 923), 2 trực thăng Mi-8 (Trung đoàn 917), 2 máy bay vận tải An-26 (Trung đoàn 918)…
Trong diễn tập, phi đội Su-22M thực hiện các phương án tấn công tiêu diệt và ngăn chặn đội hình hải quân địch trên biển, chi viện yểm hộ cho hải quân phản công chiếm lại đảo. Đội hình tiêm kích đánh chặn MiG-21 yểm trợ bảo vệ đội hình tàu và máy bay Su-22M. Các đơn vị trực thăng Ka-28, Mi-8, vận tải An-26 làm nhiệm vụ trinh sát, chuyển quân, tìm kiếm cứu nạn.
Ngày 25/11/1988, tổng tham mưu trưởng ra mệnh lệnh bảo vệ Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa. Ở phía Nam, Quân chủng Không quân tích cực tham gia bảo vệ Trường Sa, khi tàu nước ngoài gây ra chiến sự thì phối hợp với hải quân đánh bại họ ở vùng biển quần đảo Trường Sa.
Với sự xuất hiện của những chuyến xuất kích của Không quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa năm 1988, chúng ta đã góp phần ngăn chặn được âm mưu đánh chiếm quần đảo Trường Sa của Trung Quốc góp phần cùng quân chủng Hải quân đóng giữ và bảo vệ thắng lợi 11 đảo mới với 32 điểm đóng quân.
Sau năm 1988, lực lựng Không quân đánh biển được chú trọng ưu tiên hiện đại hóa để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Năm 1989, các máy bay Su-22M4, biến thể hiện đại nhất của dòng Su-22 thay thế Su-22M làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa.
Tiếp đó chúng ta đã tiếp nhận hàng loạt máy bay thế hệ mới hiện đại có tầm bay xa, thời gian tác chiến dài, cùng hệ thống vũ khí, hệ thống điều khiển hiện đại như máy bay trinh sát PLZ M-28, tiêm cường kích đa năng Su-27SK/PU, Su-30MK/MK2, máy bay tuần thám CASA-212, thủy phi cơ DHC-6 và nhiều loại trực thăng khác. Với lực lượng này, Không quân Việt Nam sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


 TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam
Loading...