TIN NÓNG HOÀNG SA-TRƯỜNG SA, BIỂN ĐÔNG (VIỆT NAM)

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

(TNBĐ) - Trung Quốc từ chối yêu cầu của Pháp ra tòa quốc tế để phân định chủ quyền Hoàng Sa- bài 4

Tháng 6-1938, một đơn vị lính Bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền đã được dựng tại đảo Hoàng Sa có khắc dòng chữ: “Republique Francaise-Empire d’Annam-Achipel de Paracel 1816-Ile de Pattle 1938”.

Về tính liên tục của sự chiếm hữu thực sự, Tiến sĩ Trần Công Trục đưa ra một số mốc lịch sử hết sức cụ thể, có ý nghĩa: Với tư cách là đại diện Nhà nước Việt Nam về đối ngoại trong thời kỳ Việt Nam là thuộc địa của Pháp, Cộng hòa Pháp đã tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
LTS: Trung Quốc đang cố làm những điều sai trái. Sai trái chồng sai trái khi họ cố tình chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thuộc về họ.
Loạt bài 5 kỳ viết về vấn đề này sẽ làm sáng tỏ lý lẽ của Việt Nam và sự đuối lý của Trung Quốc.

Kỳ 4: Trung Quốc từ chối yêu cầu của Pháp ra tòa quốc tế để phân định chủ quyền Hoàng Sa
Theo Hiệp ước Patenotre năm 1884, Chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành các hoạt động đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục bảo vệ, quản lý và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cụ thể, sau một thời gian tổ chức các cuộc nghiên cứu, khảo sát tại thực địa của các nhà khoa học và những cuộc trao đổi giữa những chính khách Pháp có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, ngày 8-3-1925, Toàn quyền Đông Dương đã tuyên bố khẳng định, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ thuộc  địa của Pháp. Ngày 19-3-1926, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat của Bắc Kỳ. 
Ngày 13-4-1930, Thông báo hạm Malicieuse do thuyền trưởng De Lattre điều khiển ra quần đảo Trường Sa theo chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương dựng bia chủ quyền, đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo, đá, bãi phụ thuộc. Ngày 23-9-1930, Chính phủ Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về sự kiện đóng giữ quần đảo Trường Sa theo đúng thủ tục. Ngày 31-12-1930, Phòng Đối ngoại Phủ  Toàn quyền Đông Dương gửi báo cáo lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp về những hoạt động đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo phụ cận, cũng như các tư liệu khảo cứu về pháp lý bảo vệ cho sự kiện đóng giữ này.
Ngày 4-1-1932, Chính phủ Pháp gửi Công hàm tới Công sứ Trung Quốc tại Paris khẳng định chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức trọng tài quốc tế. Trung Quốc từ chối đề nghị này.
Ngày 18-2-1937, Pháp lại chính thức yêu cầu Trung Quốc áp dụng phương thức trọng tài quốc tế để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa; Trung Quốc lại khước từ.
Ngày 26-11-1937, Pháp phái kỹ sư trưởng J. Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thủy phi cơ, nghiên cứu các điều kiện định cư ở quần đảo này. Năm 1938, Pháp phái các đơn vị Bảo an đến đồn trú trên các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng được Tổ chức Khí tượng Thế giới cho đăng ký với số hiệu là 48859 ở đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến điện TSF trên đảo Hoàng Sa.
Ngày 15-6-1938, Pháp xây xong trạm khí tượng ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa. Ngày 30-3-1938, vua Bảo Đại ký Dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi trước đây. Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Đông Dương  Jules Brevie ký Nghị định 156-S-V thành lập đơn vị hành chính cho quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản tuyên bố sáp nhập các quần đảo trong Biển Đông vào các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng. Ngày 4-4-1939, Chính phủ Pháp gửi Công hàm phản đối các quyết định nói trên của Nhật và bảo lưu quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 15-8-1945, Nhật thua trận phải rút khỏi Đông Dương và ngày 26-8-1945, quân đội Nhật phải rút khỏi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Sau khi Nhật rút đi, mở ra một thời kỳ mới vô cùng phức tạp. Tiến sĩ Trục cho biết, trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946, đầu năm 1947, mặc dù Việt Nam đã tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945, không còn ràng buộc vào Hiệp định Patenotre 1884, song Pháp cho rằng, theo Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp nên Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Theo Hiệp định ngày 8-3-1949, Pháp dựng lên chính quyền thân Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng trong năm 1949, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã chấp nhận đơn xin đăng ký danh sách các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế giới: Trạm Phú Lâm, số hiệu 48859, Trạm Hoàng Sa số 48860, Trạm Ba Bình số 48419.
Ngày 14-10-1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Bảo Đại.
Từ ngày 5-9 đến 8-9-1951, Hội nghị San Francisco có đại diện của 51 nước tham dự để ký kết Hòa ước với Nhật. Tại phiên họp toàn thể mở rộng ngày 5-9, với 48 phiếu chống, 3 phiếu thuận, hội nghị đã bác bỏ đề nghị của Ngoại trưởng Gromyco (Liên Xô cũ) về việc tu chỉnh khoản 13 của Dự thảo Hòa ước, trong đó có nội dung: Nhật thừa nhận chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam.
Ngày 7-9-1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Không một đại biểu nào trong hội nghị này có bình luận gì về tuyên bố này. Ngày 8-9-1951, Hòa ước với Nhật được ký kết. Điều 2, Đoạn 7, của Hòa ước đã ghi rõ: “Nhật Bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Sprathly” (khoản f).
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneve được ký kết đã công nhận một nước có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Điều 1 của Hiệp định đã quy định lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm  giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa hai miền Nam-Bắc của Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này cũng được kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi (Điều 4). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam.

Tháng 4-1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Cộng hòa, đã ra tiếp quản nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Trước những hành động xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc tiến hành vào thời điểm giao thời này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối. Ngày 24-5 và 8-6-1956, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra thông cáo nhấn mạnh, quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa “luôn luôn là một phần của Việt Nam” và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam.
Ngày 13-7-1971, tại Hội nghị ASPEC Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Từ ngày 17-1 đến 20-1-1974, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố nêu rõ lập trường của mình trước sự kiện này.
Theo NGUYỄN HÒA (QĐNN)

(TNBĐ) - Trung Quốc – Khổng tử hay Đạo Chích?

Đạo chích


(TNBĐ) -  Ở Trung Quốc có hai nhân vật sống cùng thời (500 năm TCN). Họ đều rất nổi tiếng, người được bia đá vinh danh, kẻ được bia miệng lưu truyền: Đại thánh Khổng tử và Đại bợm Đạo Chích! Họ đi hai đường khác nhau, nên biết nhau mà không thể gặp nhau, mỗi người tôn thờ “đạo” riêng của mình. Khổng tử quá nửa đời du thuyết các nước chư hầu để truyền bá đạo nhân nghĩa.
Đạo Chích đến các nhà giàu có để thực thi nghề đạo tặc. Gã đại bợm khinh Khổng tử nhà nghèo lại hay thuyết giảng đạo đức. Khổng tử dường như không bận tâm về cá nhân Đạo Chích vì mối quan tâm của ngài là cả xã hội. Nghe nói Khổng tử từng làm quan Tư khấu (Tư pháp) nước Lỗ, đại bợm Chích càng thêm ghét.
Một hôm, tình cờ Khổng tử đi qua ngõ nhà Đạo Chích, bị chủ nhà xua con chó ra cắn. Con chó vốn bản tính tuyệt đối trung thành với chủ, không biết và không cần biết đó là Khổng tử. Khổng tử bất ngờ bị Đại Khuyển cắn vào bắp chân, máu chảy ròng ròng. Đường đầy đất đá lổn nhổn, Khổng tử chỉ xuýt xoa đau, không nhặt một vài hòn ném lại con chó mà lẳng lặng tránh xa. Đạo Chích đứng trong sân nhà nhìn ra, khoái chí cười ầm lên: “Để xem nhà ngươi còn đi du thuyết được nữa không?”. Sau đó, hắn đi khoe khoang khắp làng rằng mình mới bảo Đại Khuyển dạy cho Khổng tử một bài học!
Tuổi đã gần lục tuần, Khổng tử không chu du thiên hạ nữa, chẳng phải sợ lại bị chó cắn. Ông hoàn toàn thất vọng về đám vua chúa các nước tham vọng tranh bá đồ vương, không cần biết đến nhân nghĩa. Cái họ cần là đất đai, châu báu, gái đẹp, và trên hết là quyền uy thiên tử, để tất cả thiên hạ đều phải quỳ mọp dưới chân mình. Khổng tử trở về mái nhà xưa của cha ông mình để lại, mở trường dạy học trò, truyền bá đạo làm người. Còn Đạo chích cũng là người nhưng thuộc hạng vô đạo. Con chó của Đại bợm Chích, tuy được chủ đặt cho cái tên oai vệ “Đại Khuyển” cũng không thể “làm người”.
Một nhân vật nữa của Trung Quốc đương đại cũng rất nổi tiếng: Chủ tịch Tập Cận Bình! Ông càng lừng danh, khi dám tuyên bố triệt để bài trừ tham nhũng, sẵn sàng lôi cổ cả những chúa sơn lâm ! Mới đây, đại danh ông nổi lên như sóng cồn đại dương, cả thế giới được nghe Tập Chủ tịch lớn tiếng át cả tiếng tàu chiến cùng máy bay Trung Quốc đang gầm gừ, gào rú dưới biển, trên trời vùng đảo Hoàng Sa của Việt Nam: “Người Trung Quốc không có gien xâm lược”!
“Người Trung quốc” hay “nhân dân Trung Quốc”? Điều này cần phân biệt rõ. “Gien” là một danh từ khoa học xuất phát từ phương Tây. “Gien” giống như “tính” (bản tính) một thuật ngữ Trung quốc từ nghìn xưa giới học thuật đã tranh luận sôi nổi. Cái “tính” ấy cũng di truyền như cái “Gien” di truyền. Các học giả Trung Quốc quan niệm vấn đề rạch ròi giữa tính Thiện và tính Ác. Khổng tử không nói rõ bản tính con người Thiện hay Ác, chỉ nói : “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” nghĩa là: Chẳng phải thiện cũng không phải ác, nó thay đổi, hình thành tuỳ theo môi trường sống, hoàn cảnh giáo dục. Mạnh tử khẳng định: Tính người vốn là Thiện. Tuân tử phủ định: Tính Ác…Ngoài ra có các thuyết: Vừa Thiện, vừa Ác; thuyết siêu Thiện, Ác… Khổng tử sống cách nay 2.500 năm, thuyết “tập tính” của ông gián tiếp bác bỏ các thuyết, được nhiều người tán thành. Vì hai anh em vua Nghiêu, ông Nghiêu là bậc đại hiền (Thiện), ông Tượng là người đại ác, cho nên ông Nghiêu không truyền ngôi cho em mà truyền ngôi cho ông Thuấn. Tương tự cái “gien”, không nhất thiết cha “xâm lược” con cũng phải “xâm lược”, cha lương thiện, yêu hoà bình, con cũng lương thiện, hoà bình. Vậy, cái thuyết “Người Trung Quốc không có “gien” xâm lược” của Tập tử e khó đứng vững.

(TNBĐ) - Trung Quốc không còn coi trọng “4 tốt, 16 chữ vàng”






(TNBĐ)- Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trung (nguyên trợ lý thủ tướng Võ Văn Kiệt) tại tọa đàm Minh triết Biển Đông chiều 14/6 tại Hà Nội

Ông cũng cho rằng: "Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn thực hiện chính sách bá quyền ở biển Đông".
Theo ông Nguyễn Trung, trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải xem xét lại những chính sách của mình. “Trung Quốc đang chứng tỏ không còn coi trọng mối quan hệ 4 tốt, 16 chữ vàng nữa. Nó không có nghĩa lý gì so với những gì mà cục diện quốc tế đang mang lại cho Trung Quốc. Không thể phủ nhận những áp lực và thách thức mà Trung Quốc tạo ra đối với các nước trong khu vực và Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta thấy rõ được thách thức này, phối hợp với các quốc gia khác thì hoàn toàn có thể đối phó được”, ông Nguyễn Trung khẳng định.
Điểm lại toàn bộ những hành động gây hấn, xâm chiếm ở biển Đông suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông Nguyễn Trung cho rằng: các sự kiện từ 1956 đến nay nói lên quan điểm xuyên suốt của Trung Quốc trong vấn đề xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Hoàng Sa không phải vi phạm mà phải nhìn nhận dứt khoát là hành động xâm lấn.
“Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn thời điểm này để đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam, Hải Dương 981 đã được họ chuẩn bị từ nhiều năm nay. Rõ ràng, việc Nga sát nhập Crimea đã đặt ra rất nhiều vấn đề trong quan hệ Nga – Ukraine, Nga – Phương Tây. Mặt khác, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc cũng có bước phát triển mới. Sự hợp tác giữa hai cường quốc khiến cục diện thế giới thay đổi. Cùng với đó là thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan, những phát biểu của Tập Cận Bình và của trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc ở Shangri-La 13 cho thấy chưa bao giờ Trung Quốc lại tỏ ra hung hăng như vậy. Tôi cho rằng, Trung Quốc đã thực sự chuyển mình sang giai đoạn thực hiện chính sách bá quyền ở Biển Đông, thời kỳ chiếm được chỗ nào thì chiếm, khẳng định chỗ nào thì khẳng định”, ông Nguyễn Trung phân tích.
Để đối diện với những thách thức từ Trung Quốc, theo ông Nguyễn Trung, điều đầu tiên là Đảng và Nhà Nước phải nói cho toàn dân biết thực trạng quan hệ Việt - Trung. Ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền phải dựa trên những hiểu biết sâu sắc về quan hệ hai nước. Mặt khác, “nếu chúng ta lúng túng, không kiên quyết đấu tranh thì thế giới cũng khó lòng ủng hộ mình được”, ông Trung nói.

Từ góc độ quân sự, thiếu tướng Lê Mã Lương cũng phân tích những lý do khiến Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam cùng những nguyên nhân khiến nước này xây dựng sân bay tại Gạc Ma. Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng cho rằng muốn đối phó với Trung Quốc, trước hết các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… phải có sự hợp tác. “Khi đó, Trung Quốc muốn quẫy ở biển Đông cũng sẽ gặp nhiều khó khăn”. Mặt khác, trong vấn đề ngoại giao, thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng: phải đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu.

- TIN NÓNG BỂN ĐÔNG (TNBD) https://www.facebook.com/tinnonghoangsavietnam
Loading...